|
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là nông dân các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018. |
Năng suất cao, sản lượng không tăng
Hiện, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê gần 583.000ha; trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch 548.533ha, diện tích cà phê còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất, với trên 202.000ha; kế đến là Lâm Đồng với gần 161.000ha, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch gần 150.000 ha…
Theo thường niên, mùa thu hoạch cà phê chính của nông dân các tỉnh Tây Nguyên là từ giữa tháng 11. Khác với những năm trước, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi, mùa mưa kết thúc muộn, lượng mưa lại rải đều nên cà phê được bảo đảm lượng nước, trái nhanh lớn, sản lượng cao hơn mọi năm. Theo các chuyên gia nông nghiệp, niên vụ năm nay, năng suất cà phê của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung rất có thể sẽ lập kỷ lục mới.
Theo người trồng cà phê ở Tây Nguyên, năm nay khu vực này có mưa lớn và kéo dài trong nhiều tháng, đất đủ ẩm nên cây cà phê có lượng nước ổn định, tranh thủ điều này bà con đã tập trung bón phân, chăm sóc nên lượng quả nhiều, trái to, bóng mẩy… Nếu như năm trước 1ha cà phê chỉ thu được khoảng 1,3 tấn thì năm nay có khả năng sẽ thu được gần 2 tấn.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã đưa ra dự báo sơ bộ từ đầu năm, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2017-2018 khoảng trên dưới 1,4 triệu tấn, tức là thấp hơn hoặc tương đương niên vụ trước. Dù thời tiết được đánh giá thuận lợi cho cây cà phê nhưng do diện tích cà phê già cỗi ở nơi đây đang tăng cao và trồng xen nhiều loại cây trồng khác nên dự đoán sản lượng cà phê ở Tây Nguyên cũng không tăng so nhiều với niên vụ trước.
Giá ổn định
Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 300 đồng/kg, ở mức 41.000 – 42.100 đồng/kg, trong đó giá tại tỉnh Đắk Lắk là 42.100 đồng/kg, Lâm Đồng 41.000 đồng/kg, Gia Lai 41.900 đồng/kg.
Theo dự báo của các chuyên gia, giá cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ không giảm mạnh mà chỉ dao động ở mức 40.000 - 43.000 đồng/kg. Đến khi các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch chính thức, nguồn cung có dư nhưng giá cà phê cũng tụt xuống dưới 40.000 đồng/kg. Bởi theo các chuyên gia thì đến thời điểm hiện nay, lượng cà phê tồn kho tại Việt Nam không còn nhiều, đặc biệt là tại các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới, lượng cà phê tồn kho đều ở mức thấp trong vài năm trở lại đây.
Không chỉ vậy, được biết, ở Việt Nam hiện nay việc tiêu thụ cà phê nội địa cũng tăng khá mạnh. Hiện có nhiều nhà máy chế biến cà phê hòa tan đang mở rộng hoạt động hoặc sắp khai trương, đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê trong nước tăng lên đáng kể. Các hãng cà phê rang xay quy mô nhỏ cũng đang hoạt động rất hiệu quả… Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên khi bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2017 – 2018.
Cà phê là cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của vùng đất đỏ Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trước thực trạng cây cà phê nơi đây đang đối mặt với nhiều vấn đề như: cà phê già cỗi, cây trồng khác đang lấn át về diện tích,thiết nghĩ, chính quyền và người dân nơi đây cần có chiến lược dài hơi trong việc tái canh, ổn định diện tích cà phê và phát triển bền vững.
Theo Kinh tế nông thôn