Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt: Chất lượng và giá trị
06 | 09 | 2007
Các chuyên gia dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2006-2007 đạt 15,5 triệu bao, khả năng xuất khẩu trên 900.000 tấn, kim ngạch thu khoảng 1,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Lâu nay, chúng ta thường nghe những thương hiệu cà phê nổi tiếng như Vinacafe, Trung Nguyên, Thắng Lợi, Thu Hà…và lớn hơn nữa là cà phê Buôn Ma Thuột. Nhiều người tưởng rằng với những thương hiệu này thì người nước ngoài sẽ biết nhiều về cà phê Việt Nam. Nhưng chưa hẳn đã thế. Đúng là cà phê Việt Nam vừa được cả thế giới đánh giá là tuyệt vời nhưng vừa bị chê là kém chất lượng.

Kém chất lượng là do những nguyên nhân vẫn tồn đọng từ trước đến nay như hái xanh, hái non, phơi sấy không đúng kỹ thuật, thiếu vốn để trang bị máy móc thiết bị. Hoặc do nguyên nhân trong những năm qua, mỗi khi cà phê được giá tình trạng tranh mua, tranh bán, không tính đến chất lượng sản phẩm đã thúc đẩy người dân thu hoạch cả cà phê non, cà phê xanh tràn lan, không sàng, lọc phân loại mà chỉ cốt khối lượng nhiều để tính giá cao.

Một nguyên nhân khác là tại nhà xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2006, với tổng số lượng cà phê xuất khẩu đạt 912.553 tấn và kim ngạch đạt trên 1,121 tỷ USD. Thế nhưng, những con số mà Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam công bố tại Hội thảo “Thị trường và chất lượng cà phê 2007” mới được tổ chức vào cuối tháng 3/2007 vừa qua đã làm không ít người phải giật mình: Trong niên vụ cà phê 2005-2006, vừa qua, tại cảng AntWerp, Vương quốc Bỉ, đã có hơn 600.000 bao cà phê Việt Nam bị loại thải, chiếm 72% lô hàng xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn một nửa tổng số cà phê bị loại. Cùng lúc đó, ở 10 cảng khác của Châu Âu cũng đã có tới trên 1 triệu bao trong số 1,4 triệu bao cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng bị loại.

Theo nhận xét của ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam: “Hiện chúng ta bán cà phê ở dạng xô, phân loại theo tiêu chuẩn cũ, nay không còn phù hợp…Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã đóng bao lẫn cả một lượng cà phê xấu, lẽ ra phải phân loại. Như vậy, khách hàng có thể ép giá cà phê Việt Nam khi những lô hàng này không thể quay về nước đã sản xuất ra nó. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh cà phê Việt Nam đang dần xấu đi trong cách nhìn nhận thế giới”.

Tuy nhiên, điều trăn trở từ lâu về tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho cà phê Việt Nam cũng đã có những mô hình hữu hiệu được triển khai.

Cà phê Việt nâng giá trị

UtzKapeh là Chương trình chứng nhận toàn cầu dành cho các hoạt động sản xuất và cung ứng cà phê có trách nhiệm cao, thựchiệnbởi một tổ chức phi chính phủ mang tên Utz Kapeh - tiếng Maya có nghĩa là CàPhê Tốt - trụ sở chính tại Amsterdam - Hà Lan.

Đến nay, đã có 7 công ty cà phê quốc doanh thuộc 3 tỉnh Đăk Lăk, Quảng Trị, Sơn La và 1 công ty thu mua của Anh đặt tại Bảo Lộc - Lâm Đồng được Utz Kapeh cấp chứng chỉ. Vụ 2006, sản lượng cà phê đạt chuẩn Utz Kapeh được 22.000 tấn, các nhà sản xuất đều được nhận thưởng 40USD trên mỗi tấn sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thiết - Trưởng đại diện Utz Kapeh tại Việt Nam cho biết nhiều nhà thu mua vẫn ráo riết tìm nguồn hàng Utz Kapeh với mức giá cao hơn nhiều so với cà phê chưa có chứng chỉ. Mục tiêu đến năm 2010 Utz Kapeh sẽ cấp chứng chỉ cho 100.000 tấn cà phê VN.

EuropGap và vai trò tiên phong của cà phê Trung Nguyên

EuropGap là tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, ấn định bởi Hiệp hội sản phẩm các nhà bán lẻ châu Âu. Để trở thành công ty cà phê đầu tiên và duy nhất tới nay được EuropGap cấp chứng chỉ, gần 3 năm qua công ty cà phê Trung Nguyên đã chi hàng tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu sạch ở buôn KôTam, xã Ea Tu và xã Hòa Thuận ngoại thành Buôn Ma Thuột. Chi phí sản xuất tiết kiệm mà năng suất vẫn tăng, bình quân đạt 5 tấn nhân/ha.

Gần đây nhiều nhóm nông dân xa gần tìm đến xin được gia nhập đại gia đình EuropGap Trung Nguyên. Kế hoạch sắp tới, Trung Nguyên sẽ “phủ sóng EuropGap” cho Cư Mgar - một trong những huyện trọng điểm cà phê có nhiều chủ vườn thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Đăk Lăk.

Tăng thu vài chục triệu USD mỗi năm, nếu …

Ông Vân Thành Huy- Chủ tịch Hiệp hội CPCCVN nhận định: “Vụ2006 sản lượng cà phê thế giới cung vừa tạm đủ cầu. Sang vụ 2007, dự đoán nguồn cung giảm nhẹ, còn khoảng110 triệu bao so với nhu cầu 120 triệu bao do Brazin giảm sản lượng theo quy luật năm được năm mất khiến giá cà phê tiếp tục giữ vững ở mức cao”.

Việt Nam, giá xuất khẩu quý I/2007 bình quân 1.400USD/tấn. Dự báo trong quý II và III năm 2007 giá dao động tăng dần từ 1.500 lên 1.600 USD/tấn. Từ đầu vụ, tháng 10/2006 tới nay cả nước đã xuất gần 700.000 tấn, kim ngạch thu trên 900 triệu USD.

Dự kiến đến 30/9/2007, sẽ xuất tổng cộng trên 900.000 tấn tương đương 15,5 triệu bao (60 kg/bao), kim ngạch đạt gần 1,5 tỷ USD, vượt mức kim ngạch cùng kỳ năm trước 0,4 tỷ USD.



Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường