Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng diện tích để tăng lượng hàng xuất khẩu là khó. Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, mặc dù có tăng trưởng xuất khẩu nhưng sự phát triển của ngành cà phê chưa thật sự vững chắc, hiệu quả kinh doanh vẫn thấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỉ USD với khối lượng xuất khẩu 1 triệu tấn. Con số này đã giảm 18,6% về lượng, nhưng lại tăng 7,2% về trị giá.
Trước tình hình này, ngành cà phê đang hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm xuất khẩu do hiện nay cà phê xuất khẩu của Việt Nam phần lớn mới ở dạng cà phê hạt sơ chế.
Hiện nay, chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam thấp, không ổn định, chưa xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu dẫn đến bị ép cấp, ép giá, làm giảm giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó khâu tổ chức thu mua trong nước chưa tốt dẫn đến đầu vụ người dân thường phải bán vội cà phê với giá thấp.
Hệ thống đại lý thu mua cà phê hình thành một cách tự phát, chủ yếu là các đại lý tư nhân, hệ quả là khi giá cả thị trường biến động mạnh dẫn đến đổ vỡ theo dây chuyền từ đại lý tới các nhà xuất khẩu.
Hiện, ngành cà phê Việt Nam đang xây dựng quy hoạch tổng thể cho ngành cà phê về đầu tư cơ sở hạ tầng trong từng giai đoạn (sân phơi, công nghệ) theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, người nông dân, từ đó có định hướng đầu tư từ nhiều nguồn lực có thể huy động được (trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất).
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam thông qua xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động và khuyến khích người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu áp dụng TCVN 4193-2005, đồng thời mở rộng các chủng loại mặt hàng cà phê, sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ, cà phê đặc biệt, hảo hạng cũng sẽ được chú trọng trong những năm tới.