Tại nhiều nước như Colombia và Costa Rica, nhiều chuyên gia ngành cà phê lo ngại loại cà phê này sẽ làm giảm uy tín của họ như là những nhà cung cấp loại cà phê tốt nhất thế giới.
Costa Rica cấm hoàn toàn việc trồng cà phê Robusta, trong khi các tổ chức thương mại cà phê tại Colombia và một số nước khác vốn không khuyến khích trồng loại cà phê này. Nhưng ngày càng nhiều nông dân Nam Mỹ đang trồng loại cà phê vị đắng Robusta để tăng thu nhập. “Cà phê Robusta có năng suất tốt và giá tốt; năng suất tốt hơn và không cần bóng râm. Những yếu tố này rất quan trọng”, theo nhận định của ông Evelio Matamoros, nông dân tại Nicaragua bắt đầu trồng cà phê Robusta từ năm 2010. Cà phê Robusta trồng ở vĩ độ thấp hơn, thường được chế biến thành cà phê hòa tan hoặc được phối trộn vào cà phê làm nguyên liệu rẻ hơn. Cà phê Robusta cũng được dùng để tạo bọt cho một số loại espresso.
Những người trồng cà phê từ Colombia đến Guatemala đang dành nhiều diện tích đất hơn cho trồng Robusta, và hiện tượng này còn lan tới Panâm, một đất nước nhỏ bé nổi tiếng với loại cà phê Arabica chất lượng hảo hạng, có lợi nhuận cực cao.
Tại Nicaragua và Guatemala, ngành cà phê đnag đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cà phê Robusta, qua đó tăng sản lượng cà phê thu hoạch tới 5 lần, lên khoảng 540.000 bao loại 60kg, chiếm gần 1% tổng sản lượng cà phê toàn cầu và cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ, tạo lợi thế cạnh tranh nhờ chi phí vận chuyển thấp hơn và thời gian vận chuyển thấp hơn so với các nước trồng cà phê Robusta lớn như Việt Nam và Brazil.
Việc mở rộng sang trồng cà phê Robusta tại các nước có truyền thống trồng cà phê Arabica có vẻ đúng thời điểm. Nhu cầu đối với tất cả các loại cà phê trên toàn thế giới đang trên đà đạt kỷ lục mới trong năm 2018, theo nhận định của USDA; và nguồn cung cà phê Robusta ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trong năm 2017, sau khi hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất cà phê Robusta tại Brazil.
Tháng 11/2017, Olam International Ltd, một công ty kinh doanh nông nghiệp lớn toàn cầu, dự báo sản xuất cà phê Robusta thế giới sẽ thấp hơn nhu cầu năm thứ hai liên tiếp trong niên vụ 2017/18, khiến tổng thâm hụt hai năm liên tiếp lên tới 8 triệu bao.
Biến đổi khí hậu cũng đang khiến sản xuất cà phê Robusta trở nên hấp dẫn hơn. Cây cà phê Robusta sống tốt hơn trong điều kiện nhiệt độ ấm hơn và có đủ caffeine để khiến cây kháng cự tốt hơn đối với một số loại dịch bệnh và vật hại. Nông dân trồng cà phê Arabica tại Trung Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề do sự lây lan nấm roya vào năm 2012. Tại các khu vực vĩ độ thấp hơn, ít gặp vấn đề với nấm roya hơn, nông dân coi sản xuất cà phê Robusta là một lựa chọn hấp dẫn bởi có nhiều giống kháng bệnh tốt và chi phí trồng thấp hơn so với cà phê Arabica.
Arabica, loại cà phê thường được trồng ở vĩ độ cao và được rang để làm cà phê pha, chiếm gần 60% tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê Robusta chiếm phần còn lại, nhưng được bán với giá thấp hơn khoảng 40 cents/pound so với giá cà phê Arabica tham chiéu, do loại cà phê giá rẻ hơn này thường có chi phí đầu vào thấp hơn.
Nỗ lực mở rộng sản xuất – hoặc trong trường hợp của Colombia là bắt đầu sản xuất – cà phê Robusta cho thấy tín hiệu chấp nhận loại cà phê này tại Nam Mỹ ngày càng tăng. Năm 2013, những nông dân Colombia lo ngại về thương hiệu là nước sản xuất lớn nhất loại cà phê Arabica cao cấp – đã phản đối tổng thống Juan Manuel Santos khi ông đề ra ý tưởng trồng cà phê Robusta ở các vùng đồng bằng của nước này. Nhưng hiện một số nông dân cà phê Colombia đang trồng loại cà phê Robusta ở vùng đất thấp, vốn không phù hợp với trồng cà phê Arabica.
Diego Lopez, nhà xuất khẩu cà phê đời thứ 4 trong gia đình, đã nghỉ hưu và hiện có một vườn cà phê, trồng 12ha cà phê Robusta và đang chờ đợi thu lời nhờ nhu cầu tăng. “Chúng ta đang nói về hai sản phẩm khác nhau, như thể chuối và mã đề, ông Lopez so sánh giữa cà phê Robusta và Arabica.
Tại Costa Rica, từ năm 1988, trồng cà phê Robusta được cho là bất hợp pháp và nông dân trồng cà phê Robusta sẽ bị tiêu hủy mà không được đền bù.
Nông dân tại Honduras – nước sản xuất cà phê lớn nhất tại Trung Mỹ – lựa chọn không trồng cà phê Robusta để giữ gìn truyền thống và chất lượng, Hiệp hội cà phê nước này tuyên bố.
Tuy nhiên, tại Guatemala, Hiệp hội cà phê ANACAFE đang tích cực khuyến khích mở rộng sản xuất cà phê Robusta. Khoảng 2% sản lượng cà phê Robusta của Guatemala hiện là cà phê Robusta và ANACAFE đang thử nghiệm trồng cà phê Robusta tại các vùng khác nhau, với hy vọng có thể trồng cà phê Robusta ở những nơi không phù hợp cho cà phê Arabica do nhiệt độ ấm hơn. Chủ tịch ANACAFE Ricardo Arenas cho biết mục tiêu đạt sản lượng cà phê Robusta là 300.000 bao loại 60kg, gấp 4 lần sản lượng cà phê Robusta 75.000 tấn mà USDA ước tính sản xuất tại nước này trong niên vụ 2016/17.
Việc mở rộng này sẽ yêu cầu nông dân nguồn vốn khoảng 220 triệu USD cho các đầu vào sản xuất và máy móc thu hoạch và hiện nông dân nước này chưa có vốn triển khai. Nhưng năm 2017, ANACAFE đã mua 20.000 cây cà phê Robusta con có năng suất cao từ Nestle SA, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Đợt thu hoạch đầu tiên của số cây này dự kiến diễn ra vào năm 2019.
Sergio Morales, trưởng bộ phận nghiên cứu của ANACAFE, cho biết nấm roya khiến trồng cà phê Arabica không còn sinh lời ở độ cao 800m trở xuống, khiến cà phê Robusta là giải pháp duy nhất cho những người trồng cà phê này.
Tại Nicaragua, các nhà chức trách ủy thác cho Hội đồng Cà phê Quốc gia đảm bảo rằng “chất lượng cà phê xuất khẩu sẽ không gây thiệt hại cho uy tín của cà phê Nicaragua”, và một đợt biểu tình của những người trồng cà phê năm 2010 nhằm thuyết phục chính phủ cấm trồng cà phê Robusta. Nhưng năm 2013, chính phủ ước này đã cho phép một diện tích hạn chế cho trồng cà phê robusta – giữa bối cảnh bùng phát dịch bệnh roya – và 3 năm sau, đã mở rộng diện tích thiết kế cho trồng cà phê Robusta.
Hiện Nestle đang hợp tác với Mercon Group tại Nicaragua để phát triển sản xuất cà phê Robusta tại vùng tự trị South Atlantic, theo giám đốc khu vực vùng cà phê Zone AMS (America) cho bộ phận nông nghiệp của Nestle Orlando Garcia cho biết. Năm 2017, Nicaragua đã thu hoạch 25.000 bao cà phê Robusta, chiếm gần 2% tổng sản lượng cà phê của nước này, theo dữ liệu của USDA.
Mercon, một nhà xuất khẩu cà phê lâu năm từ Nicaragua, dự báo sản lượng cà phê Robusta năm 2018 của nước này sẽ tăng lên 38.000 bao và tăng thêm hơn 6 lần lên 238.000 bao đến năm 2025, theo Luis Alberto Chamorro, tổng giám đốc khu vực Trung Mỹ của Mercon cho hay “Các điều kiện sản xuất và chi phí của khu vực này cũng cho phép chúng tôi sản xuất cà phê Robusta ở giá rất cạnh tranh so với các nước sản xuất loại cà phê này”.
Theo Reuters (gappingworld.com)