Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ
27 | 06 | 2022
Việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể hỗ trợ, giải quyết được những vướng mắc của chuỗi cung ứng, đưa nguồn gỗ rừng trồng hợp pháp đến được với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Nguồn: bnews.vn

Điều này cũng tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho gỗ Việt Nam, từ đó đưa ngành gỗ Việt tăng trưởng bền vững, ổn định.

*Giữ thế tăng trưởng
Theo thống kê của ngành hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt hơn 6 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Với kim ngạch xuất khẩu này, Mỹ là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nhiều nhất, hơn 4,9 tỷ USD, tăng 5,4% số với cùng kỳ năm 2021.

 

Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển đường biển liên tục “leo thang”, ngành gỗ đã tìm mọi giải pháp giảm giá thành sản xuất.
Theo đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đưa ra loạt giải pháp về chống gian lận thương mại, tái cấu trúc đi thẳng vào những sản phẩm có lực hút cao của thế giới như phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và nhiều sản phẩm trung gian khác. 

Hiện xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ... Đây đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của gỗ Việt Nam.
Trong tình hình hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp ngành gỗ còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu hụt lao động, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải sản xuất do đơn đặt hàng đã được đặt trước đó.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã ứng phó được với dịch bệnh COVID-19, các công sở, văn phòng, nhà hàng, dịch vụ đã hoạt động trở lại.

Vì vậy, mặt hàng có nhu cầu được mua nhiều trong những tháng tới là đồ nội thất văn phòng. Phân khúc đồ nội thất văn phòng có triển vọng rất khả quan, tuy nhiên các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam chưa chú trọng vào phân khúc này.

Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trên thị trường thế giới. Do đó, thời điểm này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này nắm rõ nhu cầu để khai thác và đẩy mạnh ký kết, chuẩn bị đơn hàng để đáp ứng cho nhà nhập khẩu trong thời gian tới.

Trong phân khúc đồ nội thất văn phòng, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sản xuất chính, chiếm 52% thị phần sản xuất đồ nội thất văn phòng thế giới, tiếp theo là Bắc Mỹ chiếm 24%, châu Âu đứng thứ ba chiếm 19% tổng sản lượng trên thế giới.

Sau khi giảm 10% trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến năm 2021, sản xuất đồ nội thất văn phòng toàn cầu đạt 52 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.
*Ứng dụng công nghệ
Cùng với việc phát triển sản phẩm gỗ đa dạng, tuân thủ các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo nguyên liệu có chứng chỉ FSC (Quản lý rừng có trách nhiệm) nhưng ngành gỗ Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn mới.

Đó là, căng thẳng chính trị của Nga – Ukraine leo thang gây trở ngại thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã có nhiều khó khăn từ trước, giá cước vận chuyển lẫn giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng hơn.

Quan trọng hơn, lạm phát tiền tệ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang khiến các đơn hàng bắt đầu giảm. Gần đây nhất là những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu gỗ cũng đang trở thành mối đe dọa cho sự phát triển ngành.
Để ngành gỗ Việt Nam phát triển minh bạch, giữ được đà tăng trưởng trong gần 2 năm qua, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cùng các nhà chức năng đang nỗ lực đưa toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến gỗ minh bạch nhất, khách hàng có được thông tin minh bạch của gỗ và đồ gỗ Việt Nam nhanh nhất trong việc lựa chọn, ký kết đơn hàng nhập khẩu.
Chính vì điều này, các Hiệp hội gỗ của các địa phương có chế biến gỗ đã nhanh chóng bắt nhịp, đưa công nghệ số vào hệ thống quản lý xuất xứ nguyên liệu, vật liệu đầu vào trong chế biến gỗ.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ, trong 3 năm qua, HAWA đã nhanh chóng xây dựng hệ thống chứng minh và truy xuất nguồn gốc gỗ HAWA DDS. Hệ thống  này đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành tháng 5/2021, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang tiến đến câu chuyện số hoá quá trình tuân thủ Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện), tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang thị trường quốc tế.
Từ những yêu cầu thực tiễn của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ  Việt Nam, nền tảng HAWA DDS này tương thích hoàn toàn với nền tảng công nghệ thông tin về truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ HAWA DDS 1.0.
HAWA DDS 1.0 tích hợp nhiều tính năng hữu ích hỗ trợ khai báo và lưu trữ hồ sơ rừng, hồ sơ mua bán cây đứng, hồ sơ đăng ký khai thác, lưu thông giúp cho việc tra xét, truy xuất và xác minh nguồn gốc gỗ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và đơn giản. 
Nhờ vậy, chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người dùng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, thành viên Ban chấp hành HAWA, tính năng RTE - Real time Evidence (minh chứng thời gian thực tế) của nền tảng HAWA DDS còn giúp người dùng thiết lập bằng chứng thực ngay tại thời điểm khai thác.

Từ dữ liệu này, hệ thống sẽ xuất ra giấy chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước với đầy đủ các thông tin chi tiết nhất về lịch sử, số lượng, địa điểm khai thác…  dưới hình thức 1 mã QR code. Người mua chỉ cần quét mã để kiểm tra, đối chứng nguồn gốc gỗ trong nguyên liệu và sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành đang nỗ lực phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%; trồng rừng đạt 244.000ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây, tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3; trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3; diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90.000 ha./.

 



Báo cáo phân tích thị trường