Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đã có những bước tiến vượt bậc với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghệp gắn với xuất khẩu và khoảng 1,6 triệu lao động. Đồng thời, nền nông nghiệp đã hình thành và phát triển hệ thống chế biến bảo quản nông sản gắn kết với vùng nguyên liệu...
Vĩnh Long là địa phương được đánh giá có điều kiện tự nhiên thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng cho việc trồng các loại nông sản nói chung, rau củ quả có chất lượng cao nói riêng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Vĩnh Long hiện có diện tích rau các loại khoảng 16.942 ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 280.000 tấn/năm; Khoai lang 13.000 ha, cho sản lượng khoảng 390.000 tấn/năm; riêng cây ăn trái chiếm diện tích khá lớn khoảng 61.045 ha gồm các loại quả như: cam Sành, bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, mít…
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở chế biến rau quả quy mô vừa, nhỏ và hộ gia đình với tổng công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm); Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh là 16.53 triệu USD.
Theo đánh giá của UBND tỉnh thời gian qua sản xuất và chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được như kỳ vọng, chưa phát huy hết tiềm năng như: Số lượng cơ sở chế biến lớn, hiện đại không có; tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến chỉ đạt 10%; công tác bảo quản kém, tổn thất sau thu hoạch cao trên 20%, tổ chức liên kết còn lỏng lẻo, an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề lớn,… nên lĩnh vực chế biến rau quả chưa đáp ứng được đầu ra của người sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Do vậy việc triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 là một giải pháp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng ngành nhằm xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng và hiệu quả cao theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Theo đề án, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Vĩnh Long là 30 triệu USD, góp phần vào mục tiêu của cả nước đạt 8 đến 10 tỉ USD. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tổn thất sau thu hoạch rau quả dưới 10%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm, gấp đôi so với năm 2020.
Nhằm triển khai hiệu quả những mục tiêu trên, đề án nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cần đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Trước hết, Vĩnh Long cần đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả. Cụ thể, tăng cường thu hút đầu tư cơ sở chế biến hiện đại và nâng cấp công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực chế biến rau quả; Phát triển mạnh các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ có công suất và công nghệ tiên tiến phù hợp với ngành chế biến, bảo quản rau quả.
Tập trung cải tạo và nâng cấp các cơ sở chế biến, bảo quản rau quả lạc hậu để nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ; Xây dựng các chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ ở các địa phương có sản lượng sản xuất rau quả tập trung lớn.
Phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi, trong đó xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch; Thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ...
Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao: Đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và từ phế phụ phẩm sau chế biến; Ưu tiên tập trung chế biến các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có tỷ lệ đưa vào chế biến còn thấp như: thanh long, nhãn, mít, xoài, chuối, quả có múi, dưa hấu và các loại rau cải, cà chua, rau gia vị...
Phát triển chế biến rau quả đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng; Khuyến khích chế biến phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến rau quả để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường (thức ăn chăn nuôi, phân bón...); hình thành các mô hình doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến rau quả.
Trong thời gian tới các ngành chức năng, đơn vị tăng cường tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến: Lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại rau quả chủ lực của tỉnh có lợi thế sản xuất, mang tính đặc sản vùng miền và có khả năng liên kết với các địa phương xung 5 quanh để tạo ra vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hóa lớn; Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống rau quả có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với hạn, mặn và sâu bệnh.
Phát triển sản xuất rau quả hữu cơ, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh bền vững; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có thể thu hoạch rải vụ, khắc phục và hạn chế tính thời vụ; Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất rau quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chế biến rau quả tại tỉnh, thời gian tới Vĩnh Long tập trung phát triển thị trường tiêu thụ rau quả. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tổ chức các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ, hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm rau quả hiện đại, phù hợp.