Nguồn mekongasean.vn
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định tại Luật số 71/2014/QH13, theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý.
Điều này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề nghị các Bộ/ngành liên quan xem xét, điều chỉnh lại Luật thuế số 71 theo hướng cho doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay.
Doanh nghiệp phân bón 'ngấm đòn' khi không được khấu trừ thuế GTGT
Chia sẻ về tính cấp thiết của việc này tại tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” do Báo Công Thương tổ chức 30/8, TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế VAT có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành.
Theo TS. Phùng Hà, bằng việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế GTGT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm.
Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Đặc biệt là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Sau 7 năm thực hiện Luật thuế số 71 này, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn” do tác động không mong muốn của Luật. Đưa ra những con số cụ thể của từ Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015 trên thực tế có nhiều vướng mắc.
Trong đó có thể kể đến việc doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ đầu vào. Từ năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng đã có những kiến nghị lên các cơ quan quản lý và giai đoạn hiện nay càng cần đẩy mạnh quan tâm, xem xét nhiều hơn các bất cập.
Thực tế như Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là doanh nghiệp sản xuất lớn, các chi phí, nhu cầu nguyên liệu đầu vào rất lớn, nên theo ông Hồng doanh nghiệp này cần đầu tư máy móc, thiết bị để tăng hiệu quả cho sản xuất vì thế nếu không được khấu trừ sẽ có những thiệt hại lớn.
“Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi có kiến nghị là cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về 4 - 5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước”, ông Hồng đề xuất.
Với sự điều chỉnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ duy trì sản xuất và chính bà con nông dân cũng được hưởng lợi, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là Công ty sẽ bình ổn được lượng cung cầu phân bón, tránh phụ thuộc và phân bón nhập khẩu từ nước ngoài.
“Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung, giá phân bón trên thế giới tăng cao, nếu chúng ta không ổn định nguồn sản xuất trong nước thì ngành nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng rất lớn, do đó cần phải tự chủ về sản xuất để đảm bảo nguồn cung ứng vật tư phân bón trong nước, đây là điều hết sức quan trọng, cấp thiết”, ông Hồng chia sẻ.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng
Đưa ra quan điểm của Bộ NN&PTNT về vấn đề xem xét lại Luật thuế 71 này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật bày tỏ sự chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và người nông dân đang phải sử dụng vật tư đầu vào phân bón cao.
Ông Đạt phân tích, Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2009) quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015. Lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng.
Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ NN&PTNT thống nhất sự cần thiết thay đổi chính sách thuế GTGT của phân bón theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thay cho đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, thuế GTGT là sắc thuế gián thu và người tiêu dùng là người chịu thuế, do vậy khi thay đổi chính sách thuế đối với phân bón chuyển sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất nhất định thì sẽ tác động đến giá bán và người nông dân là đối tượng chịu tác động chính.
Trước tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh trong hơn hai năm qua thì việc đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5% như dự kiến là tăng áp lực cho nông dân.
“Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật GTGT theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và không ảnh hưởng đến đời sống nông dân”, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, khi Luật có hiệu lực thi hành thì Bộ Công Thương và các bộ có liên quan; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường quản lý giá phân bón không để giá phân bón tăng. Góp phần chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khắc phục được việc giá cả biến động gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.