Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những sắc thuế cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển
07 | 04 | 2008
Hai dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với nhiều điểm mới có lợi cho doanh nghiệp: giảm thuế suất, mở rộng ưu đãi.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%

Phải nói rằng, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 28% hiện hành xuống còn 25% là điểm mới được rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ, hoan nghênh trong dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi.

Giảm thuế là xu hướng chủ đạo hiện nay trong khu vực. Tại Trung Quốc, thuế TNDN đã giảm từ 33% xuống 25%, Singapore giảm từ 20% xuống 19%, Philippines giảm từ 35 xuống 30%.

Ông Phạm Đình Thi (Bộ Tài chính) cho hay, giảm thuế là để tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh, khuyến khích đầu tư. Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh, khi giảm thuế suất từ 33% xuống mức 28%, thu ngân sách Nhà nước lại tăng lên.

Mặc dù vậy, vẫn nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ trượt giá như hiện nay thì mức 25% vẫn còn cao và nên giảm tiếp xuống mức 20-22%.

Liên quan đến thuế thu nhập DN, luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, cho rằng theo dự thảo là đánh thuế trùng bởi DN tư nhân cũng là một trong những đối tượng chịu thuế thu nhập DN. Nhưng theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân thì chủ DN tư nhân cũng là đối tượng chịu thuế nhu nhập cá nhân. Như vậy cùng một khối tài sản của DN tư nhân (vì thu nhập của chủ DN tư nhân cũng chính là thu nhập của DN) phải chịu hai loại thuế là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo cũng đưa ra mức thuế suất và ưu đãi thuế theo tiêu chí ngành nghề kinh doanh và khu vực kinh doanh mà không căn cứ vào quy mô DN. Luật sư Cao Bá Khoát cho rằng mức thuế 25% là cao so với thế giới. Nên giảm mức thuế suất vì hiện nay chúng ta đã ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế 25% cộng với thuế thu nhập cá nhân thì quá cao.

Chia sẻ quan điểm này với ông Khoát, TS Nguyễn Thị Lan Hương, giảng viên ĐH Luật Hà Nội cho rằng mặc dù đồng nhất trong một mức thuế 25% là tạo ra công bằng cho các chủ thể nộp thuế nhưng chưa khuyến khích thoả đáng những tổ chức kinh doanh quy mô nhỏ. Bởi vậy cần đưa ra quy định thuế suất ưu đãi có thời hạn theo quy mô kinh doanh với loại ưu đãi.

Cộng đồng DN, các nhà nghiên cứu và luật gia hết sức hoan nghênh việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng. Các ý kiến cho rằng, chắc chắn động thái này sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường hàng hoá tiêu dùng. Giảm thuế thu nhập DN và thực hiện các ưu đãi về thuế nhằm tạo ra nguồn tài chính cho DN. Bởi vậy cần sử dụng linh hoạt hơn công cụ thuế suất để tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thuế suất giá trị gia tăng nào là phù hợp

Luật thuế GTGT ban hành lần đầu vào năm 1997 quy định có 4 mức thuế suất là: 0%; 5%; 10% và 20%. Nhưng ngay sau đó mức 20% không phù hợp thực tiễn mà từ đó đến nay thuế GTGT vẫn duy trì ở ba mức là 0%, 5% và 10%. Sự tồn tại ba mức thuế suất nên trên đã làm nảy sinh một số khó khăn cho việc chấp hành luật pháp về thuế của DN cũng như công tác quản lý thuế.

Nêu lên bất cập hiện nay của thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, ông Vũ Xuân Tiền - Giám đốc công ty tư vấn VFAM.- nhấn mạnh đó là điều không đúng về mặt lý thuyết. Bởi thuế GTGT là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Song cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào chứng minh được giá chi phí bảo hiểm và vận chuyển cộng với thuế nhập khẩu là toàn bộ giá trị gia tăng thêm của hàng nhập khẩu.

Ông Tiền phân tích thêm: Khoảng thời gian từ khi doanh nghiệp nộp thuế đến khi doanh nghiệp được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT là một thời gian khá dài. Do đó, ngân sách Nhà nước có thể huy động chiếm dụng mà không phải trả lãi một số tiền lớn. Song các DN hiện nay đang rất thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng để nộp thuế. Điều đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN.

Không ít DN do không nắm chắc được mức thuế suất áp dụng với hàng hoá, dịch vụ của mình nên đã áp sai thuế suất dẫn đến bị truy thu hoặc nộp oan tiền thuế.

Về phía cơ quan quản lý thuế, hàng năm họ đã phải trả lời hàng chục ngàn công văn hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc của các DN về thuế suất GTGT.

Một hạn chế nữa được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập là phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng trên cơ sở giá trị tăng thêm của từng loại hàng hoá dịch vụ, ở từng địa bàn là thực sự khó khăn để đáp ứng yêu cầu rõ ràng, chính xác mà còn thường nặng về tính thuế trên doanh thu.

Nhằm khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Cục phó Tổng cục Thuế - cho rằng nên cân nhắc có thể cho áp dụng sớm ngưỡng thuế GTGT; Đến một mức doanh thu nào đó mới áp dụng thuế GTGT và chỉ áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ thuế. Đối tượng kinh doanh dưới ngưỡng này sẽ không áp dụng thuế GTGT mà chuyển sang nộp thuế tương tự như thuế doanh thu.

Các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cho rằng, trong tương lai cần tiến tới áp dụng một thuế suất thống nhất 10% và điều này là phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng: cần xem xét, cân nhắc để có thể áp dụng thống nhất một thuế suất 10% ngay trong lần sửa đổi này.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nước trên thế giới đều có xu hướng thống nhất áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT. Do vậy, trong 20 năm tới, chúng ta nên duy trì hai mức thuế suất là: 0% đối với hàng hoá dịch vụ xuất khẩu không thuộc diện chịu thuế GTGT xuất khẩu và 10% với các loại hàng hoá giá trị gia tăng khác.

Về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dự thảo luật quy định là hàng hoá dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng, chỉ trừ các trường hợp mua, bán từng lần có giá trị thấp.

Theo luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, đây là một quy định mới so với hiện tại. Quy định này là rất hợp lý có thể ngăn chặn được tình trạng trốn, lậu thuế, mua bán hoá đơn để được hoàn thuế gian lận như đã xảy ra. Song vấn đề đặt ra là liệu công nghệ thanh toán của ngân hàng có thể đáp ứng được yêu cầu thanh toán nhanh và chính xác cho các doanh nghiệp hay chưa? Nếu việc thanh toán vẫn chậm trễ như hiện nay thì chắc chắn quy định này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Cần thiết nên lui thời gian thực hiện, có thể từ 1/1/2010 sẽ áp dụng quy định này.

Các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đều khẳng định, một trong những yêu cầu mà chính sách thuế cần đạt được là ổn định trong một thời gian dài để các DN xác định chiến lược kinh doanh và đầu tư dài hạn. Tiếc thay là từ năm 1997 đến nay, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN của chúng ta không đạt được yêu cầu quan trọng này. Hai luật thuế này đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều lần.



Nguồn: VOV điện tử
Báo cáo phân tích thị trường