Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 4 phải trình Thủ tướng dự thảo quy định về việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Không chỉ đơn giản là “để mắt” tới hướng đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng còn muốn siết chặt tình trạng đầu tư “nở rộ” của các doanh nghiệp này. Vì vậy, Thủ tướng cũng chỉ đạo cho Bộ Tài chính khi soạn thảo quy định thì chỉ cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được đầu tư thêm ngành nghề kinh doanh hỗ trợ khác ở mức dưới 30%. Đồng thời, ngành nghề hỗ trợ phải dựa trên cơ sở điều kiện, lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính chứ không phải thích đầu tư ngành nào cũng được. Phần đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính phải trên 70%.
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã đua nhau lập ngân hàng, công ty kinh doanh bất động sản, quản lý quỹ... Ngoài ra, cũng không ít doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sang lĩnh vực khác. Có khi “lĩnh vực khác” đó cũng có chút liên quan với ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp như sữa với bia, điện thoại với viễn thông. Nhưng cũng có trường hợp “đua đòi” đa ngành mà ngành này với ngành kia chẳng liên quan gì đến nhau, ví dụ ngành giấy muốn đầu tư nhà máy hóa dầu và nhà máy sản xuất dược phẩm! Ngành “vàng” mà doanh nghiệp nào cũng thấy có chút liên quan và muốn đầu tư là ngành kinh doanh bất động sản, xây cao ốc văn phòng, vừa làm trụ sở vừa cho thuê, tiện cả đôi đường!
Việc đầu tư đa ngành cũng đã nhận được nhiều góp ý về hiệu quả kinh doanh lẫn định hướng kinh tế và cả những phân tích về tác động đến thương hiệu khi đa ngành. Do đó, việc để ý và đặt ra quy định quản lý đầu tư đa ngành là cần thiết.
Tuy nhiên, điều phân vân bây giờ là tại sao là bảy-ba mà không là con số khác?! Và cần phải ban hành tiêu chí để có thể cho phép hoặc không cho phép một doanh nghiệp, một tập đoàn được “bắt cá hai tay”. Chuyên môn hóa, đầu tư cho “đầu tàu” còn không xong mà đòi lắp thêm “toa” vào thì dù có sáu-bốn, bảy-ba hay tám-hai thì cũng không nên!