Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006, đã phát huy tác dụng ngay trong năm đầu, cả nước có thêm 46.663 doanh nghiệp mới thành lập, với số vốn đăng ký là 148.065 tỷ đồng (9,2 tỷ USD), 32.137 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với số vốn tăng thêm 59.347 tỷ đồng (3,68 tỷ USD); số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD, tăng gần bốn tỷ USD so với mục tiêu đề ra của năm (6,5 tỷ USD). Bảy tháng đầu năm, có 28.600 doanh nghiệp mới thành lập, với tổng số vốn đăng ký 222.035 tỷ đồng, 21.321 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với số vốn tăng thêm 128.292 tỷ đồng, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung tăng 68,6% so với cả năm 2006; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh với hơn bảy tỷ USD (807 dự án), dự kiến cả năm có thể đạt từ 13 đến 15 tỷ USD.
Hầu hết các địa phương đều thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số tỉnh chuyển biến rõ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài như Bắc Giang, Lạng Sơn, một số địa phương tăng vốn khá là: Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tây... Các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Thừa Thiên-Huế, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Nam đã vươn lên đứng vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD, trong đó có một số dự án công nghệ cao. Việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, đã thống nhất môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế, phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực khuyến khích và phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Một số vướng mắc
Tổng hợp ý kiến của các địa phương và cơ quan liên quan trong thi hành Luật Doanh nghiệp, có một số vướng mắc, đó là chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện và cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định đối với một số ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định như: điện ảnh, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ cảng hàng không... dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề này hầu như chưa thực hiện được. Chưa sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các bộ, hiệp hội chưa quan tâm, chủ động rà soát, đánh giá, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất hợp lý của các quy định này. Chưa có hướng dẫn cụ thể về điều kiện doanh nghiệp có hai con dấu và cách quản lý, sử dụng. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thiếu trang bị kỹ thuật, phương tiện, điều kiện hoạt động, nhân lực vừa thiếu, vừa yếu chuyên môn; cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chưa thành lập. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp sau đăng ký chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản trị doanh nghiệp, nhất là các quyền và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên, cách thức phân chia, thực thi quyền lực và giám sát việc thực thi quyền lực trong doanh nghiệp, dẫn đến các quyền của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ chưa được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Về thi hành Luật Ðầu tư có một số vướng mắc. Một số khái niệm chưa được làm rõ để thực hiện thống nhất như: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, đầu tư mới, đầu tư phát triển doanh nghiệp, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đầu tư góp vốn mua cổ phần... Chưa có hướng dẫn về hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định của dự án đầu tư không xây dựng công trình và hướng dẫn thống nhất về hình thức, nội dung của một số hồ sơ, giấy tờ quan trọng như: báo cáo năng lực tài chính, giải trình các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng. Chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bảo đảm thời gian, nghĩa vụ pháp lý thẩm tra của bộ, ngành đối với các dự án yêu cầu phải có ý kiến thẩm tra. Thiếu hướng dẫn cụ thể bổ sung các quy định dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư để thống nhất thực hiện cũng như hướng dẫn về những ưu đãi đầu tư được chứng nhận trước ngày 26-9-2006 gồm những ưu đãi được giữ nguyên, những ưu đãi có thời hạn... Sự không tương thích giữa các văn bản pháp luật làm ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai thực hiện Luật Ðầu tư... Theo phản ánh của các địa phương, những khó khăn, lúng túng phát sinh từ sự không tương thích giữa các văn bản pháp quy diễn ra phổ biến, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Ðể đẩy mạnh thực hiện Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, cần thực hiện một số giải pháp:
Các bộ, ngành, UBND các cấp chủ động phối hợp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư rà soát, đánh giá các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Kiên quyết bãi bỏ những quy định không còn cần thiết, bổ sung, sửa đổi những quy định cho phù hợp, tạo bước đột phá trong đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh. Sớm nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục các điều kiện đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ðầu tư, giải quyết các vướng mắc do sự không tương thích giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức hợp lý các đơn vị trực tiếp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư theo hướng tập trung một đầu mối và kết nối hệ thống, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, phối hợp giữa các sở, UBND quận, huyện trong quản lý doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về quản trị doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường trợ giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực, kỹ năng quản trị, giám sát các cơ quan nhà nước, phát hiện, kiến nghị xử lý các vướng mắc trong thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư.