Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rộng đường cho vốn nước ngoài
19 | 09 | 2008
Doanh nghiệp Việt Nam được phép nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà ĐTNN theo tỷ lệ quy định đối với ngành nghề kinh doanh đã đăng ký. Ngay cả với các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa doanh nghiệp có vốn ĐTNN không được quyền xuất khẩu, nhập khẩu hoặc phân phối do Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) công bố, việc góp vốn hoặc mua cổ phần của nhà ĐTNN cũng đang được cân nhắc nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực này không bị xáo trộn quá nhiều khi có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của các nhà ĐTNN.

Đây là nguyên tắc được đề xuất trong việc áp dụng cam kết về điều kiện góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong các doanh nghiệp Việt Nam theo các quy định tại Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam (Nghị quyết 71/2006/QH11).

Cụ thể, các chuyên gia đã đưa ra những khẳng định rõ ràng với các ngành, phân ngành dịch vụ mà Biểu cam kết về dịch vụ có quy định hạn chế sở hữu nước ngoài. Theo đó, nhà ĐTNN chỉ được phép góp vốn, mua cổ phần phù hợp với hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài được quy định đối với từng ngành, phân ngành. Với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thuộc Biểu cam kết về dịch vụ, khi nhận vốn góp hoặc bán cổ phần cho nhà ĐTNN, tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN sẽ căn cứ vào ngành nghề kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp.

Như vậy, với đề xuất này, lo ngại của giới đầu tư về những quan điểm từng đề xuất nên áp dụng điều kiện hạn chế nhất trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động đa ngành đã có câu trả lời đầu tiên. Trước đây, trong các dự thảo liên quan đến vấn đề này, xu hướng coi ngành nghề kinh doanh có điều kiện hạn chế nhất làm cơ sở để xác định tỷ lệ được phép góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN nhận được khá nhiều sự đồng thuận từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên, ở phía ngược lại, các nhà ĐTNN luôn lên tiếng đề nghị cân nhắc việc áp dụng hạn chế này.

Các chuyên gia dự án Star - Việt Nam đã từng phân tích rằng, phương pháp áp dụng nguyên tắc khắt khe nhất cho tất cả các dịch vụ trong trường hợp một công ty cung cấp từ 2 dịch vụ trở lên thì hệ quả có thể dẫn tới hoạt động chính của công ty đó bị ảnh hưởng, cho dù nó không bị các điều luật giới hạn. Về vấn đề này, Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng đã từng đề nghị giải pháp áp dụng cơ chế hạn chế phù hợp với dịch vụ mà công ty cung cấp nhiều nhất tại một thời điểm nhất định để tránh trường hợp công ty này có thể bị áp loại hạn chế không liên quan gì tới dịch vụ mà công ty đang cung cấp.

Có thể nói, đề xuất mới nhất trong dự thảo Nghị quyết đã phần nào tháo gỡ các băn khoăn này. Hơn thế, những vướng mắc liên quan tới thủ tục thực hiện các điều kiện góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO sẽ có thể được giải toả nhờ sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng Biểu cam kết dịch vụ. Thời gian vừa qua, hầu như các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN trong các ngành, phân ngành dịch vụ này bị ách tắc. Phần lớn các đề nghị liên quan đều được trả lời là chờ đợi những hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai thực hiện (Nghị quyết 71/2006/QH11). Tuy nhiên, một số địa phương lại "linh hoạt", cho phép nhà ĐTNN thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần vào các ngành nghề này. Và sự không thống nhất trong cách giải quyết từ phía các cơ quan hành chính đã tạo nên những dấu hỏi không đáng có trong giới đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cũng cần phải làm rõ rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều có sự đồng thuận cao trong việc đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì điều kiện đầu tư, kinh doanh trong một số ngành dịch vụ theo hướng không thay đổi điều kiện đã được áp dụng trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO để đảm bảo sự ổn định của môi trường đầu tư, tránh tạo ra những rào cản mới. Tuy nhiên, những vướng mắc trong thực thi vẫn còn khi nhiều cam kết chưa được giải thích hoặc quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng như các Hiệp định của WTO. Do vậy, mặc dù trước đây Chính phủ đã tiến hành xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn các nội dung này, song theo quy định tại khoản 1, Điều 76, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là lý do khiến dự thảo Nghị quyết được xây dựng, thay vì một văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

 



Nguồn: Đầu tư Chứng khoán
Báo cáo phân tích thị trường