Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các DN mía đường đang đối mặt với thách thức
05 | 07 | 2007
Quyết định số 28/2004/QĐ-TTg ngày 3/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất và giải quyết khó khăn tài chính cho các nhà máy đường đã tạo ra sự chuyển đổi sở hữu DN nhà nước, giúp nhiều nhà máy đường vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, những thách thức của hội nhập mới là những cái khó không dễ vượt qua.
 

Khó khăn

Thực hiện cam kết gia nhập AFTA và WTO, ngành mía đường Việt Nam sẽ phải thực hiện một lộ trình mở cửa và cắt giảm thuế nhập khẩu đường. Đối với AFTA, phải bãi bỏ việc cấp phép nhập khẩu và thuế nhập khẩu đường sẽ giảm xuống 30% năm 2007 và còn 5% năm 2010. Đối với WTO, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhập khẩu đường năm đầu gia nhập là 55 nghìn tấn và tăng 5% mỗi năm tiếp theo; thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch đường tinh luyện là 40% và đường thô là 25%, ngoài hạn ngạch là 65%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng thị trường và giá cả đường thế giới trong tương lai sẽ phụ thuộc vào quá trình tự do hoá thương mại về sản phẩm đường của các nước trên thế giới. Trường hợp 1, nếu các nước không thay đổi chính sách bảo hộ thì cung sẽ vượt cầu, giá đường thế giới sẽ giảm. Trường hợp 2, nếu các nước cải cách chính sách nông nghiệp và tự do hoá thương mại về sản phẩm đường thì sẽ có sự phân bố lại khu vực sản xuất và thương mại đường, giá đường thế giới sẽ tăng.

Ngành mía đường Việt Nam cũng chịu những thách thức lớn từ bên ngoài. Hầu hết trong số 60 quốc gia sản xuất đường đều có chính sách chủ động can thiệp cả ba mặt: sản xuất- thương mại- tiêu dùng làm cho thị trường đường thế giới không phản ánh đúng quy luật cạnh tranh và cung, cầu. Các nước đang phát triển thực hiện nhiều chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu và điều tiết thị trường nội địa, duy trì giá đường nội địa ở mức cao hơn giá đường thế giới.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng, thực tế các chính sách bảo vệ đối với sản phẩm đường của các nước lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đã và đang có sự thay đổi lớn. Theo phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên EU vừa chính thức thông qua kế hoạch cải cách sâu rộng ngành đường. Theo đó, bắt đầu từ 1/7/2007 cắt giảm 17% sản lượng nhằm làm giảm nguồn cung dư thừa, trong vòng 4 năm tính từ 1/7/2007 giá đường mà lâu nay EU bảo hộ cho nông dân sẽ giảm 36% và dành 6,3 tỷ Euro (7,4 tỷ USD) để hỗ trợ người trồng củ cải đường và cho quỹ cơ cấu lại hoạt động các nhà máy đường làm ăn kém hiệu quả.

Phải tạo bước đột phá

Theo quyết định 26/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thì mục tiêu đến năm 2010 là sản xuất 1,4 triệu tấn đường công nghiệp với tổng công suất của các nhà máy đường là 105.000 tấn mía/ngày. Một số nhà máy đường sẽ được mở rộng công suất phù hợp với quy hoạch phát triển mía 300.000ha (trong đó vùng nguyên liệu tập trung là 250.000ha), với 4 vùng trọng điểm là: Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy, để đạt được mục tiêu trên và nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập, toàn ngành mía đường phải tạo ra bước đột phá trong việc chăm lo phát triển các vùng mía để có năng suất cao chất lượng tốt (bình quân cả nước không dưới 65 tấn/ha, 11 trữ đường), nâng cao trình độ công nghệ chế biến tại các nhà máy đường, phối hợp tốt giữa sản xuất mía và sản xuất đường, giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi cho vùng mía tập trung chuyên canh sản xuất hang hóa lớn…

Thực hiện quyết định số 28/2004/QĐ-TTg ngày 3/4/2004 đến nay 7 nhà máy đường đã ngừng hoạt động gồm: Việt Trì, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Trị An và Kiên Giang. Một số nhà máy đã chuyển sang vị trí khác có vùng nguyên liệu dồi dào như nhà máy đường Bình Dương chuyển sang xây dựng tại Hậu Giang; nhà máy đường Quảng Bình chuyển cho nhà máy đường Quảng Ngãi dự kiến sẽ xây dựng và mở rộng tại An Khê; nhà máy đường Bình Thuận bán cho một tư nhân để khôi phục sản xuất…5 nhà máy đường đang trong quá trình chuyển đổi: Sơn La, Kon Tum, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thới Bình. Các nhà máy đường có vốn trong nước còn lại đều đã được cổ phần hoá trong đó một số nhà máy đường nhà nước vẫn còn nắm cổ phần với tỷ lệ cao.



www.chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường