Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải tỏa “nỗi lo được mùa” ở Đồng bằng sông Cửu Long: Rất cần những biện pháp hữu hiệu
18 | 09 | 2008
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ Hè thu 2008 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã thu mua được 200 nghìn tấn gạo, nhưng “nỗi lo... được mùa” của bà con nông dân ở vựa lúa lớn nhất nước vẫn chưa vơi...
Tổng diện tích lúa hè thu của cả nước năm nay khoảng 2,1 triệu ha, riêng ở ĐBSCL 1,59 triệu ha, đến nay, cơ bản đã thu hoạch xong và được đánh giá là một mùa bội thu, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Tuy được mùa nhưng nông dân lại phải gánh chịu nỗi lo rớt giá. Tuần qua, mưa nhiều, lũ lên nhanh đã khiến giá lúa khô tiếp tục giảm xuống 4.000-4.200đ/kg; lúa ướt 3.000-3.200đ/kg. Ở những vùng sâu, vùng xa vận chuyển khó khăn, giá lúa chỉ còn 3.800-3.900đ/kg thóc khô và 2.700-2.800đ/kg (lúa ướt), trong khi giá thành để sản xuất lúa khoảng 4000đ/kg); một số nơi thóc đã bị nảy mầm bởi chưa phơi được. Trong khi giá lúa thấp, khó bán thì giá vật tư nông nghiệp lại giảm chậm; kỳ hạn trả tiền vay ngân hàng đến gần, cộng các khoản chi tiêu cần phải trang trải lớn khiến người nông dân ĐBSCL toát mồ hôi vì lo lắng.


Dự báo, trong tháng 9-2008, giá gạo tiếp tục ổn định do thị trường thế giới không có nhiều biến động. Trong khi lúa tồn đọng trong dân còn khá lớn, VFA khuyến nghị nông dân nếu không cần tiền thì nên trữ lại, chờ giá tăng mới bán.

- Sau 1 tuần giảm liên tục, ngày 16-9 giá lúa đã tăng trở lại từ 3.300-4.100đ/kg. Thời tiết khô ráo, các hộ nông dân phơi được lúa và các doanh nghiệp đã đến thu mua nhiều hơn.

Thu mua lúa gạo mới đạt 60% kế hoạch


Giá thu mua lúa gạo được Chính phủ chỉ đạo là 5.000đ/kg trở lên để bảo đảm lãi 40% cho nông dân. Tuy nhiên, cái khó cho các doanh nghiệp là chỉ thu mua gạo nguyên liệu chứ không thu mua lúa (90% lượng lúa trong dân đều do tư thương đảm nhận việc tiêu thụ) do thiếu kho bảo quản, lãi suất vay vốn ngân hàng tuy được ưu đãi nhưng vẫn cao, tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, hệ thống thu mua mỏng dẫn đến lượng gạo tồn trong dân vẫn lớn.


Thực hiện chỉ tiêu phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thu mua tạm trữ 200 nghìn tấn gạo. Ông Trần Ngọc Thiều - Trưởng phòng KHKD&SXCB cho biết: Tổng công ty đã hoàn thành chỉ tiêu thu mua 150 nghìn tấn gạo 15% tấm và 50 nghìn tấn gạo 25% tấm với giá 7.500đ/kg để chia sẻ những khó khăn với nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, so với giá cả thị trường hiện tại, mỗi kg gạo tạm trữ đã sụt giá 800đ (500đ biến động giá cộng thêm 300đ lãi suất ngân hàng) chưa kể chi phí bảo quản. Hiện tại, tổng công ty đã xuất khẩu được 90 nghìn tấn theo hợp đồng cũ đã ký, bán trong thị trường nội địa được 100 nghìn tấn và đang tích cực tìm kiếm thị trường mới.


Theo phân tích của các nhà kinh doanh thì thị trường lúa gạo nước ta hiện nay phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu gạo. Chỉ khi nào xuất khẩu mạnh, thì lúa gạo hàng hóa mới thoát khỏi bế tắc. Giá gạo trên thế giới hiện nay đang dao động trong khoảng 600 USD/tấn, nhưng thông tin Việt Nam được mùa, gạo thừa khiến việc đàm phán khó khăn vì bị ép giá. Thậm chí, những hợp đồng ký từ trước cũng bị đình trệ bởi đối tác nước ngoài đợi giá xuống thấp nữa mới nhập. Giá thấp, kho đầy, chịu lãi cao nên mặc dù rất cố gắng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp trực thuộc VFA mới chỉ thu mua được hơn 400 nghìn tấn gạo, đạt trên 60% kế hoạch.


Bảo quản sau thu hoạch: Vấn đề “nóng” nhất


Bộ Công thương đã chỉ đạo VFA chủ động điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2008, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao VFA căn cứ vào nguồn hàng dự trữ, khả năng và tiến độ thu mua, dự báo xu hướng giá thị trường thế giới để chủ động điều tiết tiến độ giao hàng các tháng còn lại năm 2008. Bảo đảm chỉ tiêu xuất khẩu định hướng cả năm là 4,5 triệu tấn. Hiện tại nhiều đơn vị dự trữ quốc gia, nhà tư thương đang tích cực thu mua thóc của nông dân. Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các chuyên gia kinh tế trong nước góp ý cụ thể về nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế, xã hội trong thời gian tới, trong đó có các vấn đề về xuất khẩu. Tính đến hết quý III năm nay, các DN xuất khẩu gạo trong nước đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo, đến giữa tháng 9 đã xuất trên 3,29 triệu tấn với giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007.


Một số DN đã kiến nghị với Chính phủ xem xét thành lập Quỹ bình ổn giá để thu mua lúa gạo, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp về lãi suất vay. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, khuyến khích nâng cao sản lượng lúa, về lâu dài các bộ, ngành cần phải đẩy nhanh các dự án về chuyển giao KHKT, giảm giá thành sản xuất lúa hàng hóa, tăng khả năng bảo quản, chế biến lương thực, nhất là giải thoát khâu bảo quản lúa sau thu hoạch cho người nông dân... Có như vậy thì những mùa bội thu mới trọn vẹn đối với nông dân.


Xem tin gốc tại đây:
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/42/180895/



Báo cáo phân tích thị trường