Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp là mấu chốt!
03 | 04 | 2008
Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, mức độ ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ đối với nông nghiệp chưa xứng tầm. Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp cần có một cầu nối DN nhằm xây dựng một chuỗi hàng hóa để nông dân xóa đi nỗi lo: được mùa mất giá...
- Hiện nay mức độ ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ đối với lĩnh vực nông nghiệp như thế nào, thưa ông?

Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn hiện nay chiếm khoảng 13% ngân sách. Nếu tính tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 17%, thấp hơn mức đầu tư chung. Lĩnh vực nông nghiệp không hấp dẫn đầu tư do hiệu quả kinh tế không cao.

Mặc dù có chương trình khoa học công nghệ của Chính phủ thực hiện trong 5 năm vừa qua, có chương trình về giống cây trồng, giống vật nuôi, tuy nhiên mức độ đầu tư có thể nói là rất ít, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, năm 2007, Chính phủ cân đối toàn bộ cho Bộ Nông nghiệp là 394,4 tỷ đồng, tương đương 25 triệu USD.

Người ta thường so sánh đầu tư cho đầu tư, nghiên cứu khoa học trên GDP. Ở các nước phát triển là khoảng 3%/GDP, còn ở Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp mới ở mức 0,33%. Năm 2007 Nhà nước đầu tư cho khoa học 6.310 tỷ đồng, tương đương với 0,553 %. Như vậy đầu tư cho nông nghiệp bằng 2/3 so với mức chung. Một số liệu khác, từ 1993 đến 2006 kinh phí dành cho khuyến nông là 630 tỷ, tương đương mỗi năm hơn 48 tỷ trên gần 12 triệu hộ nông dân, tính ra mỗi hộ được hơn 4.000 đồng/năm. Số tiền quá nhỏ để có thể làm được một cái gì.

- Ông có cho rằng hiệu quả đầu tư trong nông nghiệp kém?

Về mặt canh tác nông nghiệp chúng ta quy mô nhỏ nhưng đã có sự thống nhất ở nhiều khâu nên đã tạo ra được lượng hàng hóa lớn. Về mặt hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích chúng ta không thua kém Thái Lan và ngang với Trung Quốc. Chúng ta XK gạo thứ 2 thế giới (giá đã dần ngang Thái Lan), XK điều thứ hai, tiêu thứ nhất, café thứ 2... Năm 2007 chúng ta XK gần 12,5 tỷ USD trên tổng số 14,3 tỷ USD doanh thu từ nông nghiệp, tức là khoảng hơn 80%. Điều đó, chứng tỏ chất lượng hàng hóa phải có, giá cả phải cạnh tranh. Vì vậy không thể nói chúng ta hoàn toàn yếu kém. Trên thực tế chúng ta chỉ yếu kém ở một số khâu nhưng đó lại là những khâu quan trọng.

- Đó là những khâu nào, thưa ông?

Khâu chế biến và công nghệ sinh học là chúng ta yếu. Đầu tư cho nghiên cứu chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất thấp.


Trong khi người nông dân đang phải mày mò áp dụng thuốc tăng trưởng cho cây trồng mà chẳng có hướng dẫn cụ thể nào thì các nhà khoa học lại mong muốn có... nhiều tiền hơn để... ứng dụng khoa học vào nông nghiệp. Vậy “thuốc tăng trưởng” có phải là kết quả của nghiên cứu khoa học?


Theo số liệu 2006 - 2010, mỗi năm Nhà nước đầu tư khoảng 2,6 tỷ đồng trong đó đề tài tuyển chọn được hơn 420 triệu đồng, đề tài giao trực tiếp là hơn 800 triệu đồng, đề tài bổ sung hơn 200 triệu... Mặt khác, một công trình khoa học để ứng dụng vào sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao ở Mỹ trung bình mất khoảng 9 năm. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ cho chương trình phát triển ứng dụng công nghệ sinh học mỗi năm là 100 tỷ đồng nhưng không thể tiêu hết, có nghĩa là chúng ta còn yếu, không hấp thụ được. Công nghệ sinh học ứng dụng được vào thực tế thì phải có nhà DN, phải có bộ phận chuyên kinh doanh. Tôi vừa có đề nghị với Bộ khoa học và công nghệ: Mỗi viện nên có người lãnh đạo viện, có thể là viện phó giỏi kinh doanh mà không nhất thiết phải là GS hay TS.

Ở các nước phát triển người ta thường nói đến chuỗi hàng hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp nó là từ trang trại đến bàn ăn. Sản lượng nông nghiệp chúng ta cao nhưng khâu tổ chức chế biến công nghệ cao chúng ta chưa có, giao thông chúng ta kém và đến bàn ăn thì chưa kiểm soát được. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế thì chưa cao, chưa tạo ra được giá trị gia tăng cho sản phẩm, hiện nay vẫn chỉ là lấy công làm lãi.

- Vậy theo ông việc cần làm ngay lúc này là gì?

Để khắc phục những yếu kém đã nêu thì ngoài đầu tư của nhà nước rất cần thu hút DN về nông thôn. DN là mấu chốt trong việc tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngay trong hai dự thảo luật sửa đổi có liên quan rất nhiều đến hoạt động của DN là Luật Thuế GTGT và Luật thuế TNDN cũng không thấy đề cập nhiều đến đối tượng trên. Đối với vấn đề này chúng tôi sẽ thảo luận và có ý kiến đề xuất trong kỳ họp Quốc hội tới.

- Hiện chủ chương của Chính phú là giãn hoặc dừng các dự án không hiệu quả. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ có dự án nào bị dừng không, thưa ông?

Hiện tại thì chưa. Hằng năm chỉ có một số dự án phải trả lại tiền, khoảng gần 3%, tương đương với khoảng 200 tỷ đồng, trong đó có một số là do không hạch toán được vào hoặc chứng từ đầu không hợp lệ.

- Xin cảm ơn ông!

PGS Đinh Xuân Bá - Chủ tịch HĐQT Cty Secoin: Cần có đột phá

Bất kì lĩnh vực nào muốn phát triển thì phải có sự đột phá. Trong nông nghiệp khoán 10 được coi là một đột phá. Tuy nhiên, chúng ta cần rất nhiều sự đột phá nữa, đặc biệt là các nghiên cứu mang tính ứng dụng chứ không chỉ là nguyên lý. Bên cạnh việc phát triển các công nghệ mới và hiện đại, cần phải coi trọng việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ vừa tầm, công nghệ thích hợp (affordable technologies) cho DNNVV, nhắm đến tài nguyên đặc thù của ta, hướng đến thị trường những người có thu nhập thấp, rồi từ đó từng bước hướng đến XK. Muốn giúp nông dân thoát nghèo thì phải đưa hàng hoá và dịch vụ thích hợp và rẻ về với họ, giúp họ tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, giúp họ tiếp thu công nghệ thích hợp, tạo việc làm cho người nghèo... Cần hình thành nhiều DN quy mô nhỏ hướng đến thị trường nông thôn, “thị trường người nghèo”, thì người nông dân mới có cơ hội thoát nghèo.

Chúng ta có rất nhiều lợi thế tự nhiên mà chưa thể khai thác, phát triển thành hàng hóa. Chẳng hạn một Cty Mỹ đang nhờ tôi tìm tại Việt Nam người bán các sản phẩm từ Rau má, Kinh giới, Kỷ tử , Hẹ, Húng, Phấn hoa... Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu chất lượng của Cty Mỹ về các mặt hàng trên đòi hỏi phải trang bị tri thức và công nghệ mới. DN chính là cầu nối hỗ trợ người nông dân làm điều này. Hơn 70% dân số Việt Nam đang sống ở vùng nông thôn và các DN quy mô nhỏ sẽ hướng đến thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này. Việc khai thác các sản phẩm từ những nguồn nguyên liệu khá phổ biến trên cũng chính là việc tạo ra những đột phá. Từ cái nhỏ đến cái lớn, từ thô sơ lên hiện đại, trên cơ sở nguồn nguyên liệu phong phú và đặc thù của ta nếu biết phát huy sẽ tạo ra nhiều đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Phạm Minh Đức - GĐ Cty cổ phần Việt Đức: Nghiên cứu phải gắn với thị trường

Thời gian gần đây có thể dễ dàng nhận thấy một trong những lĩnh vực có nhiều biến động rõ nhất và nhiều nhất chính là nông nghiệp - vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam. Thời tiết khắc nghiệt cùng với thiên tai dịch bệnh thường xuyên bùng phát khiến đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân gặp khó khăn. Chính vì vậy rất cần có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả sức lao động, hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nói đến phát triển nông nghiệp người ta thường nhắc đến cái bắt tay của 3 nhà: Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà DN. Nhưng xem ra trên thực tế cái bắt tay này còn rất lỏng lẻo. Về phía nhà khoa học, lâu nay cơ chế “bao cấp” nghiên cứu khiến cho các trình khoa học thiếu tính ứng dụng lãng phí. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam mỗi năm cho ra đời vài ba giống lúa. Thế nhưng vẫn chỉ để “thử nghiệm”, phần lớn các công trình nghiên cứu không trở thành “hàng hóa” có thể lưu thông trên thị trường. Cần phải thay đổi tư duy, phải coi những nghiên cứu đó là sản phẩm, mà muốn biến thành sản phẩm thì phải đưa ra ứng dụng rộng rãi. Để đưa các nghiên cứu ra ứng dụng rộng rãi, đến với người nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế thì cầu nối không thể thiếu được đó chính là các DN.



Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường