Thưa ông, giá của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thép, xi măng, xăng dầu… luôn rất cao, nhất là trong các thời điểm giá cả tăng cao thì giá các mặt hàng này cũng luôn tăng nhanh. Việc kiểm soát, chống độc quyền của nhà nước hiện nay rõ ràng là chưa được thực hiện có hiệu quả?
Trong bối cảnh hiện nay, chống độc quyền và chống liên minh độc quyền đúng là một giải pháp cần phải làm. Trong đó cần phải sắp xếp lại sản xuất, bãi bỏ nhiều hơn các giấy phép không cần thiết, mở cửa cho kinh doanh. Ngoài ra, phải tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế về cơ chế vốn, tín dụng, thuế. Còn về giá của một số doanh nghiệp còn độc quyền hiện nay như điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông thì dứt khoát phải kiểm soát không thể để ông một mình một chợ rồi muốn tính thế nào thì tính.
Theo ông, tình trạng liên kết độc quyền trong những lĩnh vực nào hiện nay là ông thấy nặng nề nhất? Và giải pháp là thế nào?
Như lĩnh vực thép hiện nay có thể thấy tình trạng giá cả bị đẩy lên quá cao, nó không hẳn do tác động của giá nguyên liệu trên thị trường thế giới. Chúng ta thấy, giá thép ở các nhà máy công bố chỉ là 14,7 – 14,8 triệu đồng/tấn thôi nhưng giá bán ra ngoài thị trường hiện nay lên tới 18 – 19 triệu đồng/tấn. Chênh lệch quá phi lý. Ngành thép hiện nay có hai vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất là về hệ thống lưu thông, muốn để cho giá thép sát với giá thép của các nhà máy thì phải tăng cường hệ thống bán thép trực tiếp tới các hộ tiêu dùng lớn, đến chân công trình để giảm chi phí lưu thông. Hiện nay các công ty mới bán được đến các đại lý cấp một. Còn từ đại lý cấp một đến các cửa hàng bán lẻ, không ai quản lý được. Cho nên có những đại lý, cửa hàng đủ điều kiện vốn, kho hàng ôm hàng vào, nâng giá.
Nhưng tình hình hiện nay ở thị trường này cũng có yếu tố không hẳn là đầu cơ mà có chuyện những tổ chức, cá nhân đang đầu tư trên thị trường bất động sản, chứng khoán do kinh doanh không có lợi lại chuyển qua đầu cơ, kinh doanh các vật tư chiến lược như thép để dự trữ, kiếm lời. Cũng có rất nhiều người dân, trong bối cảnh này, chuẩn bị xây dựng nhà ở thì cũng lo, mua vào để đấy. Nó làm cho thị trường có một nhu cầu rất cao. Trên cơ sở đấy các cửa hàng, đại lý tư nhân mua được thép trực tiếp từ các nhà máy lại càng có cơ sở găm hàng lại. Cho nên ở chỗ này là phải kiểm tra, thấy lượng anh bán tụt đi mà lượng còn tồn cao thì có cơ sở xử lý theo luật Thương mại đã quy định không được đầu cơ, găm hàng, không bán ra thị trường.
Đang tồn tại một mâu thuẫn hiện nay là nhà nước vẫn muốn giữ độc quyền trong nhiều lĩnh vực, để các thị trường: xăng dầu, than, thép, điện lực… trong môi trường cạnh tranh không hoàn hảo nhưng lại yêu cầu thả giá theo thị trường thì giá cả chưa thể xác định được mức hợp lý, chưa phản ánh đúng chi phí thực sự của doanh nghiệp?
Hiện nay là như thế nhưng về trung hạn, dài hạn tôi nghĩ là chính phủ cũng phải hướng tới xây dựng một thể chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, ngay cả trong những lĩnh vực yêu cầu điều kiện kinh doanh như ngành xăng dầu nếu họ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện cũng phải để cho họ tham gia cạnh tranh. Tất nhiên những lĩnh vực như thế này phải có điều kiện về vốn, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng... để đảm bảo an ninh về năng lượng… nếu không, doanh nghiệp làm ăn đổ bể thì có nguy hại đến lợi ích chung.
Bộ Công thương có dự tính đề xuất bổ sung thêm một số mặt hàng mà nhà nước cần quản lý giá để áp dụng khung giá trần có thể theo quý hoặc bốn tháng? Nếu các cửa hàng, doanh nghiệp nào bán quá mức giá đó, bán không đúng giá niêm yết có thể bị tịch thu hàng. Ông thấy đưa ra quy định này có phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và có khả thi không?
Đấy chỉ là một nghiên cứu của bộ ấy. Còn được quyết định áp dụng hay không thì phải trình với thủ tướng chính phủ. Tinh thần hiện nay là chính phủ có yêu cầu sửa đổi nghị định 170/NĐ-CP hướng dẫn thi hành pháp lệnh giá. Theo đó thì nhà nước chỉ còn quy định về giá với một số mặt hàng độc quyền thôi. Còn tốt nhất vẫn phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự do cạnh tranh về giá. Nhưng cũng cần bổ sung cơ chế là với những mặt hàng quan trọng và thiết yếu thì doanh nghiệp đăng ký, kê khai, công khai mức giá. Lúc bán anh cứ đăng ký nhưng nếu kiểm tra thấy anh có hiện tượng tăng giá bất hợp lý thì chúng tôi có ý kiến. Cách can thiệp đó không vi phạm gì về kinh doanh theo cơ chế thị trường cả. Chứ ở đây không phải đăng ký theo kiểu hành chính rồi mình lại phải duyệt giá. Chỉ có điều thấy họ kê khai, đăng ký giá có gì không hợp lý thì mình bảo là không hợp lý. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn về việc đó.