Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để doanh nghiệp không kiệt sức: Các kiến nghị cấp thiết
03 | 04 | 2008
Trong cuộc họp mới đây của Hiệp hội DN TPHCM với các doanh nghiệp, các nguyên nhân gây nên khó khăn cho DN trong quí I/2008, nhất là ở lĩnh vực xuất khẩu, đã được nêu lên, và nhiều kiến nghị hỗ trợ cấp thiết cũng được mang ra bàn bạc.

Trong cuộc họp, hầu hết các DN đều cho rằng, từ đầu năm nay, nhiều áp lực đã đè nặng lên DN, nhất là đối với các DN có hàng xuất khẩu, mà những nguyên nhân chính được đưa ra là do việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chưa hợp lý và giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn do hoạt động trong bối cảnh tình hình giá cả năng lượng, nguyên liệu, vật tư, lương thực… trên thế giới liên tục tăng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TPHCM cho biết, giá đầu vào nguyên vật liệu xây dựng đã tăng từ 30-40% so cùng kỳ năm trước khiến hầu hết các DN vừa và nhỏ trong ngành phải ngưng tiến hành thi công các công trình. Một số ít DN thương lượng được với chủ đầu tư tăng giá trị hợp đồng (cũng không đáng bao nhiêu so với giá tăng của vật tư), cũng không ít DN chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận ra toà vì không thực hiện hợp đồng. DN có khả năng tiếp tục triển khai công trình thì giá thành công trình sẽ hình thành giá mới, cao hơn. Theo ông Khánh, DN ngừng hoạt động cũng có nghĩa là không có doanh thu, Nhà nước sẽ thất thu thuế, các công trình công ích sẽ không phát huy tác dụng (bệnh viện, trường học, nhà máy …) và hàng loạt lao động trong ngành mất việc, gây thêm nhiều hệ lụy cho xã hội.

Giá vật tư tăng cao cũng khiến nhiều DN ngành dây cáp điện phải bỏ công trình dù trước đó đã trúng thầu. Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Dây cáp điện TPHCM cho biết, dây cáp điện là một trong những ngành phải nhập nhiều nguyên vật liệu, nhưng khi trúng thầu thì 2, 3 tháng sau mới tiến hành ký kết hợp đồng thi công, và hiện giá vật tư đã tăng, vì thế, có DN phải bỏ hoặc chịu lỗ để thực hiện được hợp đồng.

Cũng như các lĩnh vực khác, DN ngành cơ điện thành phố đang đứng trước câu hỏi là nên tiếp tục sản xuất hay dừng lại. Bà Lê Thanh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện TPHCM cho biết, giá vật tư như nhôm, đồng, sắt thép … ở thị trường Luân Đôn cứ tăng giá 1 tuần 2 lần, vì thế DN nào cũng đứng trước câu hỏi khó khăn trên. Theo bà Nguyên, việc cắt giảm cho vay đồng loạt từ các ngân hàng chỉ hạ sốt được thị trường bất động sản, nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến hàng loạt các ngành nghề khác, trong đó có ngành cơ điện. Thêm nữa, khi DN mang USD xuất khẩu về, ngân hàng lại thu mua cầm chừng, khiến đã lỗ DN lại thêm áp lực không tập trung được vốn.

Không như các ngành nghề khác, ngành nuôi trồng thủy hải sản có lẽ gặp nhiều khó khăn nhất, vì thức ăn hàng ngày cung cấp cho vật nuôi không thể dừng. Ông Đỗ Văn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy hải sản TPHCM cho biết, do ngân hàng ngưng không cho vay tiếp, khiến hàng trăm tấn cá đang chịu đói. Không kham nổi, công ty đành chào bán cá đang nuôi, nhưng các đơn vị thu mua lại không thể thu mua vì ngân hàng ngừng cho vay tiền, các công ty chế biến xuất khẩu cũng từ chối vì chênh lệch tỷ giá khiến 1USD thu về từ xuất khẩu lỗ 500 đồng VND.

Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Vissan cho biết, giá thành heo hơi trên thế giới đã tăng 2, 3 lần so cùng kỳ năm trước, giá heo của Trung Quốc tăng 3 lần, khu vực EU tăng 30 - 40%, Thái Lan cấm xuất heo hơi để cân đối chăn nuôi nội địa…, trong nước liên tiếp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng, diện tích chăn nuôi (nhất là vùng miền Tây) ngày càng giảm do quá trình CNH, nên lượng heo cung trong nước giảm. Vì thế, dù đang cầm cự không tăng giá, nhưng chắc chắn Vissan cũng sẽ phải tăng giá trong tương lai gần.

Các kiến nghị cấp thiết

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, dù đang cố gắng duy trì hoạt động, không tích trữ hàng hóa, không tăng giá bất hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất .. nhưng hầu hết các DN đều đang đuối sức.

Do đó, ngân hàng nên tiếp tục hỗ trợ vốn cho DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu với lãi suất bình thường, hợp lý; hỗ trợ duy trì đầu vào cho xuất khẩu thông qua việc giúp DN thu mua sản phẩm từ nông dân để dự trữ (phải tính đến đặc tính của nông dân là bán ngay nông sản sau thu hoạch). Cố gắng điều chỉnh không tăng tiếp giá các mặt hàng quan trọng như xăng dầu. Các chính sách thuế khi ban hành cần có lộ trình và nên tham khảo ý kiến hiệp hội, ngành nghề, DN.

Ông Minh nhận định, trong tình hình giá cả và khó khăn hiện nay, Nhà nước không nên để DN tự bơi mà nên có các chính sách, cơ chế hỗ trợ hữu hiệu kịp thời, dựa vào tình hình thực tế và các kiến nghị cụ thể từ DN.

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát và tăng giá để hỗ trợ cho các DN, đưa sản xuất trở lại nhịp điệu bình thường như việc không tăng giá than, không tăng giá xăng dầu (trừ trường hợp thị trường thế giới có biến động)… Tiếp tục giải quyết những dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ, xem xét, điều chỉnh lại các dự án kém hiệu quả và thời gian kéo dài. Đây là những tín hiệu đáng mừng để DN tính toán và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời qua đây cũng để các DN xác định lại năng lực của mình khi có những biến động thị trường lớn như vừa qua, đồng thời là kinh nghiệm để DN hoạch định và chú ý hơn tới diễn biến và dự báo thị trường bởi vì xưa nay có câu: “có đua đường dài mới biết thực lực của mình” .



Theo VENO
Báo cáo phân tích thị trường