Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Cứu” cá tra ở ĐBSCL
24 | 06 | 2009
Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra tại ĐBSCL chính thức ra mắt và tiến hành phiên họp đầu tiên vào ngày 23-6, tại TP Cần Thơ. Theo quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban chỉ đạo có 20 thành viên, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành, sản xuất và tiêu thụ cá tra tại vùng ĐBSCL theo đề án được phê duyệt và phù hợp với diễn biến của thị trường tiêu thụ.

Tại cuộc họp, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Chúng ta đã xác định đây là ngành thủy sản chủ lực. Trước tình hình hiện nay, cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, xử lý hàng tồn kho của doanh nghiệp. Đề nghị hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tồn kho (vay cũ-thu mua dự trữ theo chủ trương của Chính phủ) và cho nông dân vay mới để tái đầu tư sản xuất.

Ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “6 tháng cuối năm nay, tình hình nuôi cá tra sẽ rất xấu, kéo dài thời gian lỗ lã cho nông dân. Giá thành tăng cao, nhất là giá thức ăn, nhưng giá bán không tăng. Do vậy, làm sao giải quyết bài toán hạ giá thành (con giống, thức ăn, thuốc…) nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Một vấn đề nữa là nếu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thì có nâng được giá thu mua cho nông dân? Trong tình hình hiện nay, nên có quy định giá sàn để bảo vệ nông dân”.

Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre… cùng quan điểm cho rằng: Nông dân nuôi cá hiện đang kiệt sức rồi vì thua lỗ từ năm 2008 kéo sang,  ít người chịu đựng nổi. Do vậy, nếu không có quy định giá sàn và hỗ trợ bù giá trên giá sàn thì nông dân không thể nào tái sản xuất được.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Ban chỉ đạo và Bộ NN-PTNT nên kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ toàn bộ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp đối với lượng hàng tồn kho (đã thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ) từ nay đến cuối năm. Đối với người nuôi thì khó khăn hơn vì quy định không trả được nợ, không có phương án kinh doanh khả thi, không có hợp đồng tiêu thụ thì không vay mới được. Tuy nhiên, ngân hàng có chính sách cho các trường hợp nông dân vay lãi suất cao năm ngoái, nay được giảm xuống mức tối đa 10,5%/năm. Chỉ còn cách các hiệp hội đứng ra đảm bảo thì ngân hàng sẽ giải ngân cho người nuôi vay mới (tuy nhiên trên thực tế điều này rất khó thực hiện-PV).

Để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng: Phải tổ chức sản xuất cá tra theo một tiêu chuẩn (tùy điều kiện của địa phương), cần thiết truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT nên có chương trình đồng bộ cho các vùng nuôi cá tra.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra tại ĐBSCL, nhấn mạnh: Vấn đề trọng tâm hiện nay là duy trì mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra, từ đó giúp nông dân tiếp tục duy trì sản xuất có lãi. Tiếp tục duy trì ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga như hiện nay, có rà soát, điều chỉnh phù hợp. Trước mắt, Nga đã chấp nhận 10/30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của chúng ta.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường Mỹ, tổ chức tốt hơn xúc tiến thương mại. Ban chỉ đạo tiếp thu ý kiến về việc hỗ trợ doanh nghiệp tạm trữ để tiếp tục mua nguyên liệu của dân, trình Thường trực Chính phủ xem xét. Mặc khác, các địa phương nên nhanh chóng điều tra nắm tình hình dư nợ và thực hiện chính sách kích cầu với người nuôi cá tra, kiến nghị giải quyết khó khăn vướng mắc để Bộ NN-PTNT và Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL tổng hợp báo cáo Thường trực Chính phủ.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường