Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thuỷ sản thập phần khó khăn
15 | 06 | 2009
"Đói" nguyên liệu, suy thoái kinh tế... là hàng loạt nguyên nhân dẫn tới tình cảnh lần đầu tiên trong 10 năm qua, xuất khẩu (XK) thuỷ sản giảm mạnh.
Chưa hết, dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình càng bi quan hơn bởi thị trường tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam trên thế giới đang biến động khôn lường. Dẫu vậy, các chuyên gia thuỷ sản vẫn cho rằng, "đối ngoại" không lo bằng "đối nội"...

Nhà máy "cố sống" để giữ công nhân

Liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, các DN chế biến hải sản ở miền Trung gặp khó khăn nhất so với cả nước.

Bởi theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - nơi dính vào vùng cấm của Trung Quốc lại là vùng biển khai thác truyền thống và quan trọng của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi..., với sản phẩm mực và cá ngừ đại dương (cá ngừ đã chiếm 60%-70% tổng sản lượng đánh bắt cả nước).

Trước khi có lệnh cấm của Trung Quốc, việc DN đói cá ngừ, mực, cá hố để chế biến XK đã xảy ra. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lĩnh - TGĐ Cty CP thuỷ sản và thương mại Thuận Phước - Đà Nẵng - sau khi có lệnh cấm, tàu cá nằm bờ, tình hình càng tệ hơn. Hiện cả DN ông lẫn một số DN khác khó lòng mua được cá ngừ mực để chế biến trên chính đất mình, mặc dù sản lượng khai thác chính cá ngừ của VN chủ yếu có được từ đội tàu của ngư dân miền Trung (khoảng 30.000 tấn/năm).

Theo Hiệp hội Chế biến - XK thuỷ sản VN (Vasep), cá ngừ (chiếm 5% tổng kim ngạch XNK của VN), 5 tháng đầu năm, XK đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Với cá hố, ông Trần Tấn Tâm - Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK thuỷ sản Miền Trung - cho hay, kích thước loại này ở miền Trung thường nhỏ hơn miền Nam. Tàu bè không ra khơi, đã thiếu nguyên liệu. Nay có tí cá lớn, cá bé nào vào bến, thương nhân Trung Quốc cũng mua tất, DN chế biến VN không cách gì mua được hết. Cty CP XNK thuỷ sản Miền Trung may mắn đã bắt mối ở tận Kiên Giang nên cũng kiếm được khoảng 70-80 tấn cá hố/tháng, nhưng vẫn không đủ sản xuất đáp ứng hợp đồng.

"Cá chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 10% trong hàng XK của chúng tôi, 90% là Cty chúng tôi chế biến con tôm. Nhưng năm nay, lần đầu tiên tôi thấy cảnh thương nhân Trung Quốc lại tràn sang đi mua tôm thẻ chân trắng của VN. So với giá tôm của Trung Quốc thì tôm VN quá rẻ, nên thương nhân họ luôn đẩy giá mua cao khiến DN chúng tôi rất khổ sở!".

Ông Tâm cho biết, dù giá cao, Cty cũng bắt buộc phải mua, bởi nếu nhà máy ngừng sản xuất, ngoài thiệt hại, Cty cũng mất luôn 600 công nhân mà suốt thời gian qua, Cty khó khăn lắm mới tuyển dụng được (miền Trung luôn đói lao động ngành thuỷ sản).

"Đối ngoại" không lo bằng "đối nội"


Ít kỳ vọng sản phẩm từ biển, DN ta cũng hy vọng sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng. Tuy nhiên theo báo cáo của Vasep, 5 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên trong 10 năm qua mặt hàng chủ lực là cá tra nói riêng và XK thuỷ sản nói chung đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Nếu kim ngạch XK  thuỷ sản giảm 9,4% về giá trị (chỉ đạt 1,369 tỉ USD) và 5,6% về lượng (gần 400.000 tấn) thì kim ngạch XK cá tra giảm 4,1% về giá trị (477 triệu USD). XK tôm chỉ đạt 53.300 tấn, đạt giá trị 441,1 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2008.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Vasep - dự báo, những tháng cuối năm, tình hình sẽ càng khó khăn hơn, bởi sản phẩm chủ lực là cá tra/ba sa sang thị trường Trung Đông và Châu Âu (thị trường chủ lực - chiếm khoảng 26% tỉ trọng XK thuỷ sản VN) vẫn đang ở thế bấp bênh. Mặt khác, Luật Nông nghiệp 2008 của Mỹ sẽ là trở ngại với XK cá tra/ba sa VN. XK tôm và cá ngừ của VN cũng vậy, khó có triển vọng tươi sáng.

Trong khi đó, ở trong nước, ta vẫn chưa giải quyết được sự bất hợp lý trong cung - cầu nguồn thức ăn cho cá tra/ba sa. Người nuôi cá tra ĐBSCL hiện bị lỗ hơn 1.000đ/kg, mà nguyên nhân bởi giá nguyên liệu chế biến thức ăn như cám, bánh dầu tăng nhiều lần, khiến chi phí thức ăn từ 60% nay chiếm 80%. Cái gốc của vấn đề là DN cũng như người nuôi phải mua thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ tất yếu giá cao.

Trong khi đó, những TCty lớn của Nhà nước như TCty Lương thực Miền Nam, Miền Bắc - với chức năng, tiềm lực, kho bãi và sự hỗ trợ của Chính phủ về dự trữ lương thực, có thể mua đậu nành dự trữ để cung cấp, thì không làm, mà lại đi nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Đó là chưa nói, tình trạng kinh doanh chụp giật, tranh giành nguyên liệu, khách hàng, bất chấp sản phẩm không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chung của VN vẫn tồn tại, dễ dẫn tới bị các nước kiện bán phá giá.

Thế nên, không phải bỗng nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Vasep - cho rằng: "Đối ngoại" không lo bằng "đối nội". Khó khăn thế giới là khó khăn chung, nhưng những chuyện nội bộ đang tồn tại sẽ kéo tụt khả năng của DN Việt Nam.

Người nuôi cá tra tiếp tục "treo ao"

Bộ NNPTNT ngày 11.6 cho biết, mặc dù thị trường XK cá tra đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng vùng nguyên liệu vẫn tiếp tục gặp khó khăn, người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL vẫn "treo ao". Nguyên nhân do giá thức ăn thuỷ sản đã tăng nhẹ so với tháng trước. Hiện, thức ăn cho cá tra loại 22% đạm, giá từ 6.800 - 7.000đồng/kg; loại 26% đạm giá từ 7.300 - 7.800 đồng/kg - tăng khoảng 300 - 600đồng/kg so với những tháng đầu năm.

Tại Cần Thơ, diện tích thả nuôi giảm khoảng 30%, An Giang giảm khoảng 20 %... so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng cá cả nước đạt 137 nghìn tấn - giảm 2,1 %.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường