Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp gắng gượng
19 | 05 | 2008
Trong tình hình hoạt động doanh nghiệp đang phải chịu những áp lực nặng nề do tình trạng lạm phát, biến động của thị trường tiền tệ, lãi suất tín dụng ngân hàng tăng cao..., các doanh nghiệp đang phải tự tìm cách xoay xở để tồn tại và chờ đợi Chính phủ có những giải pháp giảm bớt áp lực cho họ.
Tiết kiệm chi phí và nguy cơ cắt giảm lao động

Trong buổi tọa đàm do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm thứ Ba vừa qua, bà Trịnh Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy, dự báo chi phí sản xuất, dịch vụ thương mại sẽ còn tiếp tục tăng lên, nhất là khi Chính phủ điều chỉnh tăng giá than, điện, xăng dầu... sau tháng 6 tới đây, “khi ấy, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn vì chi phí đầu vào sẽ còn tăng cao hơn thời điểm hiện nay”. Với dự báo này, Công ty Khải Hoàn chủ trương tăng cường quản lý, tiết kiệm tối đa chi phí ở mọi khâu có sử dụng nhiên liệu như điện, xăng dầu...

Cũng trong chiều hướng cắt giảm chi phí, một số doanh nghiệp đang muốn hợp lý hóa lại quy trình và cách làm việc để có thể loại bỏ bớt những khoản chi phí không cần thiết, trong đó, sắp xếp lại lao động được
xem là vấn đề lớn. Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Nam Việt chuyên sản xuất bao bì công nghiệp, cho biết vấn đề lớn nhất của Nam Việt hiện nay là duy trì lực lượng lao động tay nghề đang có tâm lý bất an trước mức sống tuột dốc do tình hình giá cả tiêu dùng tăng cao. Ông Tùng cho biết Nam Việt đã tốn nhiều chi phí để xây dựng và đào tạo đội ngũ này. “Dù giai đoạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi thực sự không muốn phải làm lại từ đầu công tác nhân sự một khi các điều kiện cho sản xuất được khôi phục”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtek), trong quá trình hợp lý hóa sản xuất để cắt giảm chi phí, không loại trừ khả năng doanh nghiệp phải cắt giảm số lao động dôi dư, nhất là tại các công ty đang muốn tăng tỷ lệ thiết bị tự động trong quy trình làm việc. Đây là vấn đề hai mặt mà nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải đối diện: một bên là nâng cao chất lượng lao động, chất lượng doanh nghiệp; bên kia là nguy cơ sản sinh lao động thất nghiệp.

Theo ông Kiệt, nhìn chung, hiện chưa có nạn sa thải lao động nhưng doanh nghiệp đang phải gánh vác phần nào chi phí cuộc sống đang tăng cao của lao động. Hầu hết những doanh nghiệp ngành may đều đã tăng thu nhập cho công nhân trong quí 1-2008. Và vì dệt may là ngành có đông lao động nên khoản tăng chi này là khá lớn trong khi
lãi bình quân của ngành chỉ trên dưới 5%. “Do còn phải đối phó với gánh nặng thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao nên nhiều doanh nghiệp chưa thể tăng thêm lương cho công nhân. Tuy nhiên, họ phải thường xuyên xem xét lại các chế độ khác như tiếp tục cải tiến bữa ăn, tổ chức tặng thưởng lao động giỏi để khích lệ tinh thần, tổ chức rút thăm may mắn như một cách hỗ trợ thêm điều kiện vật chất cho cuộc sống cho một bộ phận lao động”.

Mặc dù vậy, một số con số mang tính cảnh báo đã được Agtek thống kê: bốn tháng đầu năm nay số cuộc đình công đã lên đến 120 cuộc, bằng với cả năm 2007. Có ý kiến lưu ý những khó khăn hiện nay tác động mạnh nhất lên người lao động chứ không phải lên giới chủ doanh nghiệp nhưng sự gắng sức của doanh nghiệp cũng không thể kéo dài lâu, nhất là khi nguồn nguyên vật liệu dự trữ được mua với giá cũ sắp cạn, doanh nghiệp đang phải chuẩn bị mua nguyên liệu đầu vào theo giá mới. Trường hợp doanh nghiệp cầm cự không nổi phải đóng cửa thì con số hàng trăm ngàn lao động thất nghiệp đã có thể thấy trước.

Kiến nghị tạm thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Có thể thấy những biện pháp xoay xở của doanh nghiệp chỉ mang tính tình thế, đối phó, ngắn hạn. Tại cuộc tọa đàm, các nhà doanh nghiệp bày tỏ sự mong mỏi chờ đợi những quyết sách hỗ trợ của Chính phủ, dù chỉ là tạm thời nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Kiệt kiến nghị nhà nước tạm thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khi điều kiện kinh tế thuận lợi thì tăng thuế trở lại. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp kiến nghị là 20-22% nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, Chính phủ có thể điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách thấp hơn và tạm thời giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ trương thắt chặt tín dụng là đúng nhưng cũng cần chọn lọc dự án, chọn lọc doanh nghiệp để tiếp tục cho vay.

Một số ý kiến khác kiến nghị Nhà nước tăng cường kiểm soát, cắt giảm sản lượng than xuất khẩu để tăng nguồn nhiên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, cân đối lợi nhuận xuất khẩu dầu thô để bù giá xăng... Ngoài ra, nhiều ý kiến nhận định tiền dự trữ trong xã hội là rất lớn nhưng do chính sách lãi suất và biến động của thị trường tiền tệ nên tiền không được kích thích đưa vào lưu thông, thậm chí được sử dụng vào đầu cơ vật tư nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu trong khi thâm hụt thương mại ngày càng lớn.

Để có thể kích hoạt, đưa nguồn tiền này vào ngân hàng, theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước cần có một chính sách lãi suất linh hoạt và hợp lý hơn, trong đó, nên bỏ trần lãi suất huy động hoặc chí ít là tăng đến mức có thể đảm bảo tiền gửi ngân hàng phải có lợi so với tốc độ trượt giá.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường