Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp đầu tư chứng khoán: Đến lúc bật "đèn vàng"
16 | 05 | 2008
Câu chuyện về vụ Cty mía đường La Ngà đầu tư 17,7 tỉ đồng vào chứng khoán chưa yên thì mới đây lại rộ thêm thông tin CTCP XNK Thủy sản HN cũng tham gia mua CP trên thị trường OTC.

Theo thông tin trên báo chí, Cty đã đem 16,360 tỉ đồng mua CP VPBank tại thị trường OTC. Lời lãi của các khoản đầu tư này chưa biết nhưng rõ ràng xu hướng DN sản xuất "đá ngang" sang đầu tư CK đã trở nên phổ biến.

Thống kê các báo cáo tài chính năm 2007 cũng cho thấy một số lớn các DN niêm yết cũng bắt đầu "kiêm" thêm mảng đầu tư tài chính.

Chia sẻ sức mạnh?

Bộ Xây dựng mới đây là cơ quan chủ quản đầu tiên "bật đèn đỏ" tới các DN trực thuộc liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính. Tại chỉ thị số 06/2008/CT-BXD, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả của những khoản đầu tư gián tiếp, góp vốn đầu tư ra ngoài DN. Đồng thời, trước mắt chưa tham gia đầu tư CK, góp vốn vào các quỹ đầu tư tài chính, NH có tính chất mạo hiểm.

Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, hoạt động đầu tư vào TTCK trở nên thịnh hành khi đầu năm 2007 mức độ sinh lời từ kênh đầu tư này quá lớn. Đặc biệt là khối DN cổ phần nhờ thị trường nóng đã huy động được một lượng vốn khổng lồ, trong đó phần thặng dư vốn chưa biết đầu tư vào đâu. Đặc điểm của TTCK lúc đó là tốc độ sinh lời cao, tính thanh khoản tốt nên nhiều DN chọn lựa là kênh "gửi tiền" với kỳ vọng lợi nhuận bất thường lớn.

Theo nhận định của Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (Vafi), trong vài năm gần đây, có tình trạng một bộ phận Cty đại chúng có thực hiện đầu tư CP và trong giai đoạn đầu thì những hoạt động đầu tư này đã mang lại hiệu quả.

Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, khi các DN kinh doanh hiệu quả gặp thời cơ huy động được vốn quá dễ dàng, nên xuất hiện tình trạng gia tăng các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên với những diễn biến thất thường của TTCK thì đầu tư tài chính mang lại nhiều rủi ro cho DN, một số DN đã kinh doanh tài chính không hiệu quả trong năm 2007.

Theo ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Cty CP Tập đoàn Hòa Phát, với các DN hoạt động sản xuất, đầu tư tài chính nếu có chỉ nên tham gia vào các lĩnh vực có liên quan, hỗ trợ đến hoạt động kinh doanh. Tỉ lệ đầu tư tài chính phải khống chế ở mức không thể làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, về cơ bản, việc chia sẻ sang lĩnh vực đầu tư tài chính sẽ làm các DN bị phân tán nguồn lực, dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành hàng chính, DN thiếu tập trung vào các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực mình thiếu kinh nghiệm thì rủi ro cũng rất lớn trong điều kiện thị trường không thuận lợi.

"Hòa Phát luôn xác định định hướng chiến lược là sản xuất công nghiệp và không xa rời định hướng đó và đây chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành công", ông Dương cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Vafi cho biết, Vafi mới đây đã có văn bản kiến nghị giải pháp tăng cường công tác quản trị DN tại các Cty đại chúng. Theo Vafi, các DN sản xuất nên hạn chế tối đa hoặc không nên tham gia đầu tư CP vì cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động chính.

Khi NĐT mua CP của DN sản xuất kinh doanh là nhìn vào khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, sự tăng trưởng lâu dài của DN đó, chứ không phải ở hoạt động tài chính. Việc góp vốn vào các Cty con, Cty liên kết cần đảm bảo thu được nhiều lợi ích ngoài chuyện lợi tức cổ phần như đảm bảo tạo thị trường, phân tán rủi ro...

Đã chơi thì nên  chuyên nghiệp


Bình luận về hoạt động đầu tư CK của nhiều DN gần đây, chuyên gia kinh tế-tài chính Huy Nam cho rằng vừa qua đa số DN tham gia đầu tư một cách tự phát: "Không ai cấm các DN sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình, nhưng vấn đề sử dụng như thế nào để ít rủi ro mà có hiệu quả".

Theo ông Huy Nam, nguyên tắc quản trị cũng khuyến khích các khoản đầu tư tài chính với nguồn vốn nhàn rỗi, đặc biệt là lợi nhuận giữ lại vào các dự án tương đồng với lĩnh vực sản xuất chính của Cty hoặc mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực tương đồng.

Ví dụ một Cty may mặc có vốn nhàn rỗi lớn có thể đầu tư vào một Cty cung cấp nguyên liệu. Điều đó có nghĩa là khuyến khích việc mở rộng lĩnh vực mà mình có thế mạnh và chuyên nghiệp.

"Hoạt động đầu tư tài chính ở nhiều DN như vừa qua không nên khuyến khích vì đầu tư CP là lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Cty có bộ phận chuyên nghiệp thì không nói, nhưng hiện nhiều Cty tham gia đầu tư một cách tự phát nên mức độ rủi ro rất lớn.

Kiểu đầu tư "mì ăn liền" như vậy sẽ "chết" nếu thị trường biến động bất thường", ông này nhận xét. Đặc biệt, với trường hợp Cty niêm yết huy động vốn vào một dự án sản xuất cụ thể, đã công bố ra công chúng thì càng không được dùng khoản vốn đó để đi đầu tư tài chính. 

"Một Cty đem tiền đi đầu tư CK không phải là xấu và không bị cấm. Tuy nhiên việc đầu tư đó phải xuất phát từ một chủ trương rõ ràng và phải được phân bổ nguồn vốn rõ ràng, hợp lý, có mục đích.

Đồng thời, cần phải có bộ phận chuyên nghiệp tham gia quản lý nguồn vốn đó hoặc đầu tư thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. DN không nên chuyển từ hoạt động sản xuất sang đầu tư tài chính một cách tự phát", ông Nam nói.

Theo quan điểm của Vafi, DN sản xuất kinh doanh có những nguồn vốn tạm thời dư thừa, chưa xây dựng được dự án sản xuất kinh doanh mới cũng có thể lựa chọn những Cty quản lý quỹ có uy tín để góp vốn vào các quỹ đầu tư.

Đây mới là cách chuyên nghiệp hoá trong lĩnh vực đầu tư tài chính, tránh hiện tượng phân bổ nguồn nhân lực, nguồn vốn vào những hoạt động không chuyên nghiệp.



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường