Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành điều, đổi mới hay là... dẹp?
05 | 06 | 2008
Cung cách làm ăn thiếu uy tín, lao động thiếu hụt, công nghệ lỗi thời làm cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hạt điều trong nước đứng trước một sự lựa chọn mang tính sống còn: phải đổi mới cung cách làm ăn hoặc từ giã "cuộc chơi"?
Theo ông Nguyễn Văn Lãng, một số doanh nghiệp của Ý đã chào bán công nghệ mới chế biến hạt điều, tuy nhiên giá cả rất cao và hiệu quả chưa được kiểm chứng. Ấn Độ thì sau nhiều năm nghiên cứu cải tiến công nghệ chế biến điều đã cho ra đời các loại máy mới, nhưng tỷ lệ hạt vỡ vẫn còn cao, từ 25-30%. Sau khi tính toán thì lợi nhuận vẫn chấp nhận được. Sắp tới VINACAS sẽ thử nghiệm công nghệ mới của Ấn Độ và có cải tiến thêm cho tốt hơn.

Nợ tràn lan

Từ nhiều tháng nay, một số công ty nhập khẩu hạt điều nước ngoài liên tục thúc giục các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều Việt Nam phải giao hàng đúng hạn, nhưng đáp lại vẫn là những lời xin lỗi gượng gạo và cầu mong thông cảm, bởi doanh nghiệp Việt Nam không thể thực hiện hợp đồng vì hàng loạt khó khăn về tỷ giá, lãi suất, không có đủ lao động để chế biến.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), đến cuối tháng 4.2008, các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đã ký kết với khách hàng nước ngoài 6.000 container hạt điều nhân, trị giá 495 triệu USD, thế nhưng hiện nay mới chỉ có 2.700 container được giao, còn lại 3.300 container tương đương 52.390 tấn trị giá 280 triệu USD chưa giao, và có khoảng 11.113 tấn hạt điều không thể giao trong năm nay. Các "chủ nợ" của doanh nghiệp điều Việt Nam có mặt khắp nơi, từ Anh, Úc, Mỹ cho đến một số nước khu vực châu Á. Riêng với thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết có đến 38 công ty Việt Nam đang thuộc dạng "nợ khó đòi" với tổng số nợ lên đến 9,75 triệu USD. Tình hình càng xấu hơn khi hàng loạt hiệp hội thương mại nước ngoài lên tiếng phản đối và dọa kiện các doanh nghiệp điều Việt Nam đồng thời gửi thư kiến nghị lên đến Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS, giải thích: "Chi phí sản xuất trong những tháng đầu năm đã tăng 40%, giá nguyên liệu điều thô tăng 44,8%, bao bì tăng 44%, lương công nhân tăng 30%, lãi vay ngân hàng tăng 80%. Những nguyên nhân này khiến cho giá thành chế biến hạt điều tăng lên và doanh nghiệp không ai dám thực hiện các hợp đồng đã ký với giá thấp". Điều đáng nói là các doanh nghiệp hầu hết đều phải "cắn răng" ký hợp đồng trước với khách hàng để được ngân hàng cho vay, vì vậy khi chi phí tăng quá cao trong khi giá bán đã ký quá thấp, tình trạng "xù" hợp đồng xảy ra. Uy tín của ngành điều bị hoen ố dần và nếu không có cách khắc phục khéo léo, chắc chắn hậu quả mà các doanh nghiệp lẫn người trồng điều gánh chịu không phải là nhỏ.

Bài toán thiếu hụt nhân công

Nếu suy xét sâu xa, nguyên nhân cơ bản nhất đẩy ngành điều vào cảnh khốn khó như hiện nay đó chính là công nghệ chế biến đã lỗi thời. Cách đây hàng chục năm, công nghệ chế biến hạt điều trong nước là sự kết hợp thủ công và cơ giới, trong đó hai công đoạn quan trọng là cắt tách vỏ hạt và bóc vỏ lụa nhân được làm thủ công. Đầu tư cho một xưởng bóc tách không đòi hỏi nguồn vốn lớn, chỉ hơn một trăm triệu đồng, nên dễ thu hút nhiều người bỏ vốn kinh doanh. Điều đó lý giải vì sao tuy ít nhận được sự trợ giúp từ phía Nhà nước, nhưng công nghiệp chế biến hạt điều phát triển rất nhanh. Nếu như năm 1990 cả nước chỉ có 19 nhà máy chế biến hạt điều với công suất bình quân hằng năm đạt 14.000 tấn điều thô thì nay cả nước có 219 cơ sở chế biến, với công suất thiết kế 674.200 tấn/năm. Tuy nhiên, khi kinh tế đất nước phát triển tạo ra nhiều việc làm cho lao động với tiền lương cao hơn thì thu nhập của công nhân ngành điều trở nên quá ít ỏi, không thu hút nổi nhân công gắn bó với nghề này.

Theo VINACAS, hiện nay các cơ sở chế biến hạt điều đang gặp khó khăn do thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là hai công đoạn cắt tách vỏ hạt điều và bóc vỏ lụa cần rất nhiều lao động. Nhiều cơ sở chế biến chỉ có thể hoạt động 50-60% công suất vì không đủ lao động. Ông Nguyễn Văn Lãng, người được VINACAS trao cho trọng trách nghiên cứu đổi mới công nghệ cho Hiệp hội, bộc bạch: "Ngành điều trong những năm qua đã đóng góp nhiều cho đất nước, từ một mặt hàng không ai biết đến đã trở thành đặc sản của Việt Nam, nộp ngân sách mỗi năm hàng trăm triệu USD, nhưng sự đầu tư ngược lại cho ngành này lại quá ít ỏi. Muốn đổi mới công nghệ, phải có một nguồn tài chính khá lớn, nhưng số tiền ấy biết lấy đâu ra. Các nhà máy hiện nay mạnh ai nấy đều lo chế biến kinh doanh, đâu ai nghĩ đến chuyện sẽ làm một cuộc cách mạng để đổi mới công nghệ. Kinh phí của Hiệp hội cũng không đáng bao nhiêu, làm sao có thể tự mình làm một việc quá tầm như vậy?".

Nếu như không kịp thời chuyển đổi công nghệ chế biến mới, ngành điều trong nước có thể đi vào con đường lụi tàn, viễn cảnh này đã được ông Lãng tính đến: "Việt Nam vượt qua Ấn Độ, vươn lên đứng nhất thế giới về xuất khẩu nhân điều, không phải vì chúng ta quá xuất sắc, mà vì Ấn Độ đã lâm vào cảnh thiếu hụt nhân công trước Việt Nam. Vì vậy chế biến nhân điều của Ấn Độ đi xuống, tạo cơ hội cho chúng ta bứt lên. Nhưng bây giờ thì chúng ta đã đi vào vết xe đổ ấy, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động để chế biến. Không đổi mới công nghệ thì hậu quả sẽ rất lớn. Đóng cửa nhà máy thì dễ, nhưng đời sống hàng triệu người trồng điều sẽ ra sao? Đa số họ là những người nghèo, vùng sâu vùng xa, gắn bó với cây điều vì nó dễ trồng, đầu tư ít. Không có cây điều thì rất nhiều người nghèo sẽ không biết về đâu".




Nguồn: thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường