Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vượt lên thách thức để trở thành thành viên năng động của WTO
02 | 08 | 2007
Việc gia nhập sân chơi WTO là để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nó sẽ mang lại cho đất nước ta nhiều cơ hội. Uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ tăng lên. Song chúng ta phải biết tận dụng nó để thu hút đầu tư tạo thêm việc làm, tận dụng cơ hội các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ để sản xuất và tăng kim ngạch XK hàng hóa và dịch vụ lên 100 tỉ USD trong vài năm tới.
Để trở thành thành viên WTO chúng ta phải trải qua 12 năm đàm phán căng thẳng, phức tạp và dài nhất trong lịch sử đàm phán Thương mại của ta từ trước đến nay. Vì đây không phải là cuộc đàm phán thương mại thông thường mà nó động chạm đến cả chính sách vĩ mô liên quan đến rất nhiều bộ ngành quản lý trong nước. Do vậy chưa bao giờ lại có đoàn đàm phán Chính phủ đông như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Nó bao gồm tất cả các bộ, ngành kinh tế, cả Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương. Ngoài trưởng đoàn còn có 3 phó đoàn đàm phán. Riêng Bộ Thương mại có 2 Vụ trưởng được giao trách nhiệm làm phó đoàn là anh Nguyễn Thanh Hưng và anh Trần Quốc Khánh. Cuộc đàm phán này vừa sâu lại vừa rộng. Vừa phải đàm phán về chính sách vĩ mô liên quan đến kinh tế thương mại, vừa phải đàm phán về mở cửa thị trường hàng hóa dịch vụ. Đối tác tham gia đàm phán với ta rất đông. Lúc đầu thành viên ban công tác chỉ có 30 đối tác sau đã tăng lên 42 thành viên. Số nước có yêu cầu đàm phán với ta lên đến trên 30 đối tác. Sau đó Czech và Slovakia nhập vào EU và 2 nước là Thái lan và Bungari, ta vận động ngoại giao bạn rút nên còn 28 đối tác. Thế nhưng trước ngày 13/10/2006, ngày Chủ tịch Ban công tác, ông Eirik Glenne gõ búa kết thúc đàm phán đa phương và song phương với Việt Nam thì lại có một đối tác "từ trong bụi" nhảy ra yêu cầu đàm phán song phương. Rất may Ban công tác đã sử dụng qui định của WTO để dẹp rắc rối này.

Trong phiên họp ngày 26/10/2006 phiên cuối cùng của Ban công tác thông qua dự thảo nghị quyết kết nạp Việt Nam của đại hội đồng, thông qua dự thảo nghị định thư, thông qua lần cuối cùng bản cam kết hàng hóa (thuế) và dịch vụ, bản báo cáo của Ban công tác… ông Trưởng đoàn Achentina phải thốt lên rằng: "Năm 2004 Achentina kết thúc với Việt Nam, nhưng không nghĩ rằng Việt Nam có thể gia nhập sớm như vậy". Có một thực tế nhiều nước đã kết thúc sớm với Nga và Ucraina, nhưng đến nay Nga và Ucraina vẫn chưa gia nhập WTO được. Có thể nói, vận may đã mỉm cười với dân tộc Việt Nam, trả công cho sự cố gắng của cả nước chúng ta đã lên được con tàu WTO như ông Vụ trưởng Evan Rogerson - Giám đốc Vụ Thương mại nói: "Finally VN on board the WTO ship". Để gia nhập WTO, ngay từ những phiên đầu chúng ta một mặt phải làm rõ chính sách kinh tế thương mại, mặt khác phải kiên trì thuyết phục các đối tác chấp nhận nguyên tắc quan trọng "Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi". Có được nguyên tắc này thì chúng ta mới có được lộ trình chuyển đổi về thuế là 3 - 7 năm, về dịch vụ là 1 - 5 năm, về trợ cấp công nghiệp là 5 năm cho những dự án đầu tư trong nước và nước ngoài đã cấp giấy phép. Mức trợ cấp nông nghiệp trong nước vẫn giữ được 10% trong khi Trung Quốc cam kết 8%. Bốn nhóm hàng là đường, trứng gia cầm, nguyên liệu thuốc lá và muối ta vẫn giữ được hạn ngạch thuế quan.

Tất cả các hiệp định lớn của WTO như hiệp định thuế quan, TBT, SPS, Gats, Trim, Trips, CVA, IL, ROO… ta cam kết tuân thủ khi gia nhập, Việt Nam được các thành viên ban công tác đánh giá rất cao như ông Đại sứ Nhật Bản phát biểu trong buổi lễ Kết nạp 7/11/2006 "nếu không có Việt Nam, WTO có tên mà không có nội dung mới" vì Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên đã xây dựng chương trình pháp luật gồm 26 luật và pháp luật cần sửa cho phù hợp với các qui định và hiệp định của WTO. Đến ngày kết nạp, Quốc hội Việt Nam đã sửa và thông qua 25 luật và pháp lệnh chỉ còn Luật Thi hành án sẽ sửa trong kỳ họp này. Trở lại cách đây 3 năm, ông Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội phát biểu trong một hội thảo rằng, Việt Nam gia nhập và đổi mới hệ thống pháp luật cần sửa 100 luật, Quốc hội mỗi năm thông qua 5 luật thì Việt Nam cần 20 năm mới làm xong, biết bao giờ mới gia nhập WTO. Tôi gặp ông Burgard, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội- trong buổi chia tay về nước nhận nhiệm vụ mới. Ông nói rằng: "3 năm tôi công tác ở Việt Nam tôi nhận ra rằng người Việt Nam có quyết tâm cao, muốn làm điều gì là có thể làm được".

Việc gia nhập sân chơi WTO là để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nó sẽ mang lại cho đất nước ta nhiều cơ hội. Uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ tăng lên. Song chúng ta phải biết tận dụng nó để thu hút đầu tư tạo thêm việc làm, tận dụng cơ hội các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ để sản xuất và tăng kim ngạch XK hàng hóa và dịch vụ lên 100 tỉ USD trong vài năm tới. Đồng thời giảm nhập siêu xuống mức thấp nhất và một ngày nào đó trong tương lai rất gần phải xuất siêu để trả nợ ODA làm cho nền tài chính quốc gia lành mạnh, tránh rơi vào vòng xoáy như một số nước Mỹ Latinh đã mắc phải. Song thách thức đối với chúng ta không nhỏ, chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu (tác động đến thu ngân sách), bỏ những biện pháp bảo hộ trái với qui định WTO làm cho những doanh nghiệp quen dựa vào nó phải thay đổi cách làm. Chúng ta phải mở cửa 11 ngành và khoảng 100 phân ngành dịch vụ trên tổng 155 phân ngành của WTO làm cho thị trường dịch vụ Việt Nam sôi động lên, cạnh tranh quyết liệt hơn, tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào các DN nhỏ và vừa. Để đương đầu với những thách thức này, biến nó thành cơ hội mới, đòi hỏi toàn Ngành Thương mại phải có chương trình hành động cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của mình, nhanh chóng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, ngoại ngữ, tiếp cận với cách làm việc mới, quản lý mới. Đặc biệt vai trò của DN rất quan trọng, là trung tâm của tiến trình gia nhập WTO, các DN phải có chiến lược sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý, mở rộng thị trường nước ngoài, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tăng cường hợp tác với nhau, tạo thêm sức mạnh cho nhau. Các hiệp hội phải nêu cao vai trò của mình để giúp đỡ và phối hợp hành động của hội viên tăng sức mạnh và bảo vệ thị trường của mình.

Kinh nghiệm của Nhật Bản thông qua các hiệp hội để bảo vệ thị trường trong nước là rất đáng quý, chúng ta cần tham khảo. Gia nhập WTO trong lúc thế và lực của đất nước ta đã khác xa so với 12 năm trước đây, với quyết tâm cao của cả nước, chúng ta tin rằng Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức để trở thành thành viên năng động của WTO.



Lương Văn Tự - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế- Thứ trưởng Bộ Thương mại
Báo cáo phân tích thị trường