Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía "công nghệ cao" và hướng đầu tư bền vững
17 | 10 | 2008
Ðứng giữa nông dân và nhà máy chế biến, cây mía nguyên liệu luôn nảy sinh mâu thuẫn trong sản xuất. Giá mía lúc lên, lúc xuống, nhà máy thu mua không kịp thời, sản lượng chế biến không ổn định...
Cây mía trở nên "lúc ngọt, lúc nhạt" với nông dân, làm cho người trồng thua lỗ. Nhiều nơi trồng mía không bán được phải phá bỏ trồng cây khác, chịu nợ lãi ngân hàng, thậm chí nông dân đốt mía trên đồng cho "bõ tức".

Trong khi đó, vùng mía nguyên liệu thuộc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, hàng chục năm nay vẫn giữ nguyên diện tích, năng suất, chất lượng, quan hệ giữa nông dân, nhà máy giữ được thế ổn định.

Vụ mía năm 2008-2009 này, cây mía vùng Lam Sơn bắt đầu đầu tư công nghệ sinh học, đưa năng suất tăng hai lần so với trước, tạo điều kiện người trồng có lãi cao, lâu bền.

Ðưa công nghệ sinh học vào cây mía

Mới giữa tháng 8 năm nay, những lô mía vụ đầu của Công ty TNHH Sao Vàng đã có chiều cao hơn năm mét, trong đó, thân mía hữu ích gần ba mét. Lá mía xanh, cây thẳng đứng đều nhau, ken dày.

Giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng - thuộc Tổng công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, ông Trịnh Ngọc Long, giải trình sơ bộ tại các lô mía đã thực hiện khoa học kỹ thuật gieo trồng: Vẫn giống mía hiện trồng nhiều năm qua, nay đổi mới phương thức làm đất.

Trước, mía trồng trên luống. Mỗi luống một hàng mía. Hàng cách hàng 1,2 mét, ở giữa khoảng cách là rãnh. Nay, xóa luống, trồng bốn hàng mía chạy sóng đôi với nhau. Mỗi hàng song song cách nhau 40 centimet. Ở giữa, khoảng cách là một mét cho người đi vào chăm sóc. Như vậy, trước phải có khoảng đất 1,2 mét mới có hai hàng mía. Nay chỉ cần khoảng cách 1,8 mét đã có bốn hàng mía chạy song song từng đôi một. Nhưng "cốt lõi" hơn, phía dưới gốc rễ cây mía, tính từ mặt đất xuống 20 centimet là hệ thống đường ống nhựa tổng hợp theo các hàng mía; các đường ống có phi từ 30 mm đến 110 mm kết nối với nhau tạo thành một mạng ống ngầm dưới đất chạy về trạm máy bơm. Hệ thống thiết bị đường ống xây dựng theo quy hoạch từng lô, diện tích lớn, nhỏ tùy theo khu đất trồng hiện có.

Kỹ sư nông nghiệp Trịnh Xuân Ninh phụ trách tưới cho tám lô mía được giao từ đầu vụ trồng. Anh đến trạm bơm thao tác, vận hành máy và giới thiệu chức năng, ứng dụng từng công đoạn. Trước lúc vận hành máy, phân hỗn hợp được cân, đong đưa vào bể máy hòa tan để theo đường ống dẫn nước vào tưới mía. Sự điều tiết lượng nước tưới cho từng lô đã có các hộp van đóng mở trên bờ các lô mía.

Kỹ sư Ninh cho biết: Nước phân theo đường ống ngầm vào trực tiếp phun theo lỗ nhỏ vào gốc rễ cây mía. Cách tưới như vậy lượng nước tiêu hao rất ít, hiệu quả cao vì rễ mía được trực tiếp cấp dinh dưỡng, cây mía đón được 70% lượng phân, 30% ra đất kề cận xung quanh bồi bổ cho đất, gốc mía luôn có độ ẩm, thân to đồng đều, cây thẳng đứng do ken dày, trữ lượng đường cao.

Ông Giám đốc Công ty TNHH Sao Vàng nhận định và đánh giá: Còn năm tháng nữa cây mía đủ tuổi sinh trưởng, với đà này, thân hữu ích bình quân sẽ là 4,5-5 mét. Vụ mía 2008-2009 này công ty đã đưa vào trồng 40 ha tưới khoa học, dự tính năng suất sẽ đạt 150-170 tấn/ha và ít nhất 10-12 trữ đường.

Nếu so với năng suất vụ trước 70 tấn/ha thì vụ này năng suất tăng gấp đôi. Tính ưu việt của mía tưới khoa học công nghệ là mía lưu gốc năm năm trở lên mới phải trồng lại.

Ðầu tư mở rộng mía công nghệ cao

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty (TCT) Mía đường Lam Sơn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đứng tại lô mía khẳng định: Không còn cách nào khác hơn, phải đầu tư cây mía tưới khoa học công nghệ để đưa năng suất, sản lượng tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi trước đây nhưng trên cơ sở diện tích mía hiện có để khuyến khích nông dân tiếp tục làm giàu từ mía. Ðối với TCT Mía đường Lam Sơn (TCT-MÐLS) trưởng thành như hôm nay là đi lên từ cây mía. Từ một nhà máy chế biến đường vàng mơ, công suất 2.500 tấn/ngày. Vào năm 1987, vùng mía nguyên liệu mới có gần 5.000 ha. Nay đã có hai nhà máy, công suất 6.500 tấn mía/ngày, làm ra mỗi năm 100-110 nghìn tấn đường kính xuất khẩu và tiêu dùng. Một vùng mía nguyên liệu liên kết với nông dân năm huyện trung du, miền núi 16.000 ha và lớn lao hơn là trong đó 35.000 lao động trồng mía kéo theo 65.000 khẩu nông thôn. Rồi từ một nhà máy 350 cán bộ, công nhân, nay trưởng thành một TCT quản lý điều hành 20 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó hàng nghìn lao động công nghiệp. Muốn hay không, hiển nhiên TCT vẫn phải xoay quanh "cái trục" là cây mía, coi đó là sự sống còn.

Ðúng vậy. Sau cây mía, TCT này đã cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị: Cồn, bánh kẹo, phân vi sinh...

Ðàn bò sữa nhập ngoại, Nhà máy chế biến sữa hương đậu nành, cà-phê, dâu, sữa tiệt trùng được đầu tư từ cây mía. Cây mía cũng tạo đà cho TCT quan hệ hợp tác mở rộng trong nước, ngoài nước.

Hợp tác đưa lao động kỹ thuật sang CHDC Triều Tiên chế biến đường sản phẩm. Hợp tác với Israel khu vực Trung Ðông vùng khí hậu nóng bỏng để nhân giống bò sữa và cuối năm ngoái, ngành mía đường nước này đã hợp tác với TCT-MÐLS về khoa học-kỹ thuật gieo trồng, tưới tiêu cây mía. Hãng NellaFim ký hợp đồng bán thiết bị công nghệ cho TCT và cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ đầu vụ mía năm 2008-2009.

Một cơ chế đầu tư năng động

Hướng đầu tư cây mía công nghệ cao cho vùng nguyên liệu lại là một dự án mới đối với TCT-MÐLS. Ðó là trên cơ sở đất mía hiện có 16.000 ha, ứng dụng khoa học-kỹ thuật gieo trồng, tưới tiêu đưa năng suất, sản lượng tăng hai lần so với trước, tạo điều kiện mở rộng công nghệ chế biến tại hai nhà máy hiện nay.

Dự án công nghệ này phù hợp với sự chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa là "chốt lại" diện tích mía nguyên liệu và không xây dựng nhà máy mới trên địa bàn.

Ông Lê Văn Thanh, TGÐ-TCT-MÐLS, người đã gắn với vùng mía 20 năm qua, từ khi đang còn là cán bộ phụ trách phòng nông nghiệp Nhà máy đường đến nay, ông lại điều hành TCT thực hiện dự án mới cây mía.

Ông cho biết,dự án đã thực hiện vụ đầu ở ba đơn vị với diện tích 110 ha, mía tốt, đầy hứa hẹn. TCT sẽ tổ chức nông dân vùng mía bàn bạc gieo trồng vụ tới. Ðây là cơ hội cho cây mía thoát ra lối "thoáng rộng" trong thâm canh.

Tuần trước, nông dân vùng mía đến tận nơi chứng kiến các lô mía công nghệ cao tại các điểm: Sao Vàng, Sông Âm, Thống Nhất, họ phấn khích thúc giục TCT cử cán bộ kỹ thuật xuống dân tổ chức tập huấn cho người trồng để kịp vụ mía tới.

Theo phương án sản xuất TCT đã in ấn các văn bản hợp đồng với nông dân vùng mía. Trong đó, đầu tư cho một ha mía công nghệ cao 50 triệu đồng chi phí bao gồm: Làm đất, giống mía, mua thiết bị đường ống lắp đặt, phân bón tổng hợp, người trồng được ứng trước. Trong khi đó được miễn phí: Công chuyển giao khoa học-kỹ thuật công nghệ, các tài liệu in ấn. Số vốn, người trồng ứng trước được khấu trừ năm năm - Mỗi năm 10 triệu đồng, tương đương 20 tấn mía nguyên liệu giao nộp/vụ. Như vậy, với năng suất dự thu từ 150-170 tấn/ha, người trồng giao nộp để khấu trừ tiền ứng trước 20 tấn mía là chịu được. Giá mía thu mua trong văn bản TCT gửi xuống vùng mía, bắt đầu từ vụ (2008-2009), mỗi tấn mía 550.000 đồng kéo dài trong năm năm - đến 2013. Ðó được coi là sự giao kèo giữa TCT-MÐLS và nông dân vùng mía để bước đầu "hai nhà" an tâm bước vào sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án mới thâm canh mía công nghệ cao không thể gấp gáp một vài vụ cho toàn vùng. Bởi quá trình đổi mới canh tác cần có thời gian để làm các việc: "Dồn thửa, hợp điền" có thể từ ba, bốn hộ trồng mía cùng chung một lô diện tích mía 1,5-5 ha tập trung tiện lợi, phù hợp lắp đặt hệ thống ống tưới, xây dựng các trạm bơm. Ở những nơi có diện tích đất bằng như ruộng, bãi có điều kiện thuận lợi sẽ làm trước.

Tiếp đó, việc chăm sóc tưới mía sau khi gieo trồng theo lối thâm canh mới công nghệ cao như diện tích đã có hiện nay thì với diện tích 20-25 lao động dịch vụ công việc khác như trông coi, bảo vệ, dọn dẹp cỏ cho mía. Vì vậy lao động trồng mía dôi ra khá đông trong khu vực.

Chính quyền các xã trồng mía lại sẽ có những phương án sắp xếp nghề cho số lao động dôi ra có việc làm tăng thu nhập họ gia đình.

Ðầu tư công nghệ cho cây mía ở vùng nguyên liệu thuộc TCT-MÐLS được năm huyện trồng mía ủng hộ, nông dân đón đợi thời cơ này đều phấn khởi. Bởi người trồng mía chuyên canh tính ra mỗi ha mía, thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Và điều quý hơn là giữa nông dân trồng mía và nhà máy chế biến ngày càng thắt chặt, gắn bó lâu bền trong sản xuất. Một dự án sản xuất kinh doanh mang tính chiến lược đang có kết quả với được trong tầm tay của TCT-MÐLS.



Nguồn: Báo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường