Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ An: Dân ồ ạt phá mía trồng… cao su
08 | 10 | 2008
Đó là thực trạng tại một số xã như Nghĩa Xuân, Minh Hợp… huyện miền núi Quỳ Hợp. Hàng trăm hộ dân vì cái lợi trước mắt đã ồ ạt phá nhiều diện tích mía chuyển sang trồng cao su mà không có một cơ quan chức năng nào đứng ra định hướng cho dân.
Từ 1998 khi nhà máy đường Nghệ An Tate & Lyle đi vào hoạt động thì cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực của người Phủ Quỳ, thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, gần đây người nông dân không còn mấy mặn mà với cây mía.

Cây mía sinh lợi cao?

Anh Trần Văn Cảnh ở xóm Tàu (xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp) cho biết, gia đình anh có 5 ha trồng mía nhưng sắp tới anh sẽ phá toàn bộ để trồng cao su.

Theo anh Cảnh, trước đây diện tích đất mía của gia đình mỗi năm cho thu hoạch từ 350 đến 400 tấn nhưng nay năng suất mía ngày càng giảm, cùng một diện tích đó hiện chỉ đạt khoảng 250 tấn. Tính theo năng suất và giá mía thu mua hiện tại của nhà máy đường Tate&Lyle là 350.000 đồng/tấn thì mỗi năm với 5 ha mía, gia đình anh thu nhập khoảng 90 triệu đồng.

Như vậy bình quân mỗi ha mía chỉ cho thu nhập chưa đầy 20 triệu đồng trong đó còn nhiều chi phí như: công chăm sóc, phân bón, tiền vận chuyển… và giá các loại “vật tư” này mỗi ngày một tăng nên lợi nhuận chẳng là bao.

“Mía mô mà như sả lai (ý nói mía ngày càng còi cọc cây chỉ bằng cây sả - PV) như ri thì lấy chi mà ăn. Bây giờ người trồng mía chỉ lấy công làm lời” - anh Cảnh cho biết thêm. Đây cũng là tình trạng chung của những người trồng mía như anh Cảnh.

Ông Trần Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết, thời gian gần đây người dân trên địa bàn xã ồ ạt phá mía để trồng cao su và sắn. Nếu toàn xã trước đây có 820 ha mía thì nay diện tích đó chỉ còn lại xấp xỉ 650 ha.

Không chỉ riêng xã Nghĩa Xuân mà trên toàn bộ vùng nguyên liệu mía ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đang có xu hướng giảm dần diện tích cây mía. Riêng huyện Quỳ Hợp vào thời điểm cao nhất lên đến 9.800 ha nhưng nay chỉ còn xấp xỉ 8.000 ha.

Nông dân tự tìm lối thoát

Thấy cây cao su ngày càng có giá trị nên anh Nguyễn Văn Thiết và nhiều người dân ở xóm Minh Chùa (Minh Hợp, Quỳ Hợp) đã lặn lội vào tận Bình Phước để tìm mua giống về trồng.

Anh Thiết cho biết giống cao su ở miền Nam da mỏng cho mủ nhiều. “Đất này “chán” cây mía rồi, bây giờ chỉ có trồng cao su thì mới có ăn” - anh Thiết giải thích. Gia đình anh có 3 ha đất trồng mía nhưng sắp tới anh sẽ phá toàn bộ để trồng cao su.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, người nông dân có thể vươn lên làm giàu từ cây cao su. Mỗi năm, một ha cao su có thể cho thu nhập trên dưới 70 triệu đồng, điều mà trước đây chưa bao giờ người nông dân trồng mía dám mơ tới.

Mặc dù trong đợt rét hại vừa qua nhiều gia đình trồng cao su đã bị thiệt hại nặng, do cây non bị chết hàng loạt nhưng người dân vẫn không từ bỏ. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, nên người dân đã trồng xen canh thêm các loại cây khác như: lạc, ngô, sắn… theo phương thức lấy ngắn nuôi dài.

Ông Dương Thanh Long, xóm trưởng xóm Minh Chùa (Minh Hợp) cho biết, trước đây xóm có diện tích mía lớn nhất cả xã nhưng bây giờ người dân đã phá bỏ phần lớn cây mía chuyển sang trồng cao su và sắn. Việc trồng cao su không còn diễn ra đơn lẻ mà nó đã trở thành phong trào.

Trao đổi với Dân trí ông Hoàng Ngọc Sin, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết, hiện sở đã nghe báo cáo vấn đề này và sắp tới sẽ có cuộc họp với lãnh đạo nhà máy đường Tate & Lyle. Theo ông Sin vụ ép đường năm tới (năm 2009) diện tích mía giảm là lẽ đương nhiên bởi giá mía nguyên liệu là “bài ca muôn thuở” của nhà máy và người trồng.




Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường