Riêng về mía đường, có ý kiến cho rằng nhiều vùng không nên trồng nữa vì nhập khẩu về dùng vẫn tiện và rẻ hơn! Có nên làm như vậy chăng?
Đường là một nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày của con người. Theo thống kê, nhu cầu tiêu thụ đường trên đầu người hiện nay là 35 kg/năm, tại Ấn Độ là 20 kg/năm... Tại Việt Nam, khi chưa có chương trình 1 triệu tấn đường (1994), mức tiêu thụ mỗi đầu người là 8 kg/năm, hiện là 15 kg/năm và dự kiến sẽ còn tăng lên.
Ngoài sử dụng trực tiếp, đường còn đóng vai trò cung cấp năng lượng thông qua các thực phẩm chế biến, lên men...
Nhu cầu, thị trường toàn cầu
Đường thực phẩm được chế biến từ 2 nguyên liệu chính là mía và củ cải đường. Giá đường trên thế giới diễn biến tùy thuộc tình hình cung, cầu, trong đó tình hình nguyên liệu của những nước sản xuất hàng đầu đóng vai trò quyết định.
Tại các nước EU, việc trợ giá cho sản xuất củ cải đường đã và đang giảm đáng kể, dẫn tới diện tích củ cải đường giảm mạnh. Vụ 2005-2006 EU đạt sản lượng đường 20,45 triệu tấn, vụ 2006-2007 chỉ còn 16,6 triệu tấn.
Với cây mía, nhiều nước sản xuất đường hàng đầu thế giới như Brazil, Australia, Columbia, Hoa Kỳ, Thái Lan lại có chương trình sử dụng năng lượng sạch là bio-ethanol sản xuất nước mía (mật rỉ đường). Sản xuất ethanol để bổ sung nhiên liệu sẽ có tác động lớn đến quan hệ cung cầu về đường trên thế giới. Do vậy, mặc dù hiện nay giá đường tiêu dùng đang trên đà giảm, nhưng dự báo sẽ lại tăng và đứng ở mức cao.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì tình trạng sản xuất mía đường với các vùng nguyên liệu, nhà máy nhỏ lẻ, phân tán như hiện nay thì giá thành đường sản xuất trong nước sắp tới sẽ khá cao. Nhu cầu thiếu hụt, sẽ dẫn tới phải nhập khẩu đường với giá đắt đỏ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp!
Mía đường gắn với công nghiệp hóa nông thôn
Ngày 15/2/2007, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phê duyệt Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Quan điểm phát triển nêu rõ trong thời gian tới phát triển sản xuất mía đường phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Sản xuất mía đường do vậy phải phát triển đồng bộ từ sản xuất mía nguyên liệu, nhà máy chế biến, sản xuất các sản phẩm sau đường đến lưu thông và tiêu thụ sản phẩm; phải gắn lợi ích giữa nhà chế biến và người sản xuất nguyên liệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Để đáp ứng yêu cầu này, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi cho vùng mía tập trung; nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất mía đường.
Các chỉ tiêu phát triển cho thấy đến năm 2010 sản lượng đường phải đạt 1,5 triệu tấn, trong đó đường công nghiệp 1,4 triệu tấn (670.000 tấn đường luyện và 730.000 tấn đường trắng), đường thủ công quy đường trắng là 100.000 tấn. Tổng công suất thiết kế các nhà máy sẽ từ 82.850 tấn hiện nay tăng lên 105.000 tấn mía ngày nhưng không xây dựng mới nhà máy đường.
Đây là một cơ hội để các nhà máy hiện có đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa, mở rộng công suất hiện có một cách hợp lý phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường. Các nhà máy như vậy phải cải tiến thiết bị, đầu tư cho vùng nguyên liệu trồng các giống mía có chất lượng, chữ đường cao để nâng cao hiệu suất thu hồi hàm lượng đường trong thân mía.
Quyết định 26/2007/QĐ-TTg định hướng đến năm 2020 mức sản xuất đường sẽ là 2,1 triệu tấn (đường luyện 1,5 triệu tấn, đường trắng 500.000 tấn, đường thủ công 100.000 tấn). Như vậy diện tích mía phù hợp hiện tại phải được đầu tư thâm canh, cải tạo và mở rộng ở nơi có điều kiện theo hướng trồng giống mía mới, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến và đầu tư có tưới đạt 40% diện tích.
Đến 2010, diện tích trồng mía ổn định 300.000 ha, năng suất bình quân 80 T/ha, chữ đường bình quân 12 CCS, sản lượng 24 triệu tấn mía. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đường tăng lên 120.000 tấn mía/ngày.
Phù hợp với những cam kết trong tiến trình thực hiện các quy định của Tổ chức thương mại WTO, ngân sách Nhà nước vẫn hỗ trợ để nhập khẩu và nhân giống mía mới, đầu tư các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi đầu mối (kênh cấp 1, 2) và giao thông trong vùng nguyên liệu tập trung.
Quy hoạch, tổ chức tạo lợi thế
Bốn vùng trọng điểm sản xuất mía đường hiện tại và sắp tới được xác định 222.000 ha chiếm 74% diện tích mía cả nước. Dẫn đầu là vùng Bắc Trung bộ với diện tích 80.000 ha, vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có diện tích trồng mía 53.000 ha. Vùng Đông Nam bộ có diện tích trồng mía năm 2006 là 51.500 ha do yêu cầu phát triển các khu công nghiệp sẽ giảm xuống chỉ còn 37.000 ha.
Đáng quan tâm là vùng ĐBSCL với quy hoạch tổng diện tích trồng mía 52.000 ha. Miền đất này biểu hiện nhiều mâu thuẫn rõ nét, cần được nghiên cứu tổng kết để thực hiện kết quả quy hoạch phát triển mía đường. Trừ Hiệp Hòa (Long An), đây là vùng mía hoàn toàn mới sau 1994, nên cách canh tác và buôn bán nguyên liệu cũng hoàn toàn khác với các vùng trồng mía các nơi.
Thời cao điểm, năm 2000 diện tích mía từng phát triển đến 80.000 ha, năng suất và sản lượng cao nhất nước nhưng hàm lượng chữ đường lại thấp (bình quân 7-8 CCS) do thiếu lao động để kết thúc thu hoạch trước mùa mưa. Bà con ở đây trồng mía đến mùa thu hoạch là bứng sạch, không lưu gốc 3 vụ như các vùng khác. Nhưng người trồng mía ở vùng tây sông Hậu lại tính toán trên hiệu quả sử dụng đất.
Trồng mía năng suất cao, sau 9 tháng tranh thủ bứng sạch để làm 1 vụ lúa. Lợi nhuận tổng cộng cả năm tính ra có lãi hơn là lưu gốc (nhờ đỡ phải đầu tư nhiều phân bón cho gốc mía tái sinh).
Những điều này cho thấy sản xuất mía đường ĐBSCL rõ ràng là một lợi thế lớn! Tuy nhiên do công suất nhỏ và thiếu nguyên liệu nên 2 nhà máy đường Kiên Giang và Cà Mau liên tục bị thua lỗ. Đến niên vụ 2006-2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải yêu cầu Nhà máy đường Kiên Giang ngưng sản xuất để bán, hoán, cho thuê, Nhà máy đường Cà Mau bị treo hướng phát triển để tìm hướng chuyển đổi.
Nhưng đến nay, trước những biến động của sản xuất đường thế giới cũng như vai trò của cây mía trong việc sản xuất ethanol, nhiều nhà đầu tư, cả Việt kiều ở Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã nhiều lần đến tận Cà Mau, Kiên Giang, gặp gỡ các giới chức có thẩm quyền để thăm dò mua lại nhà máy.
Nhà máy đường Bình Thuận ở miền Đông Nam bộ có giá trị đầu tư hơn 120 tỷ đồng phải ngừng sản xuất chờ tuyên bố phá sản từ niên vụ 2006-2007. Nhưng mới đây, khi cơ quan chức năng (tòa án kinh tế) tổ chức đấu thầu bán liền được một công ty liên doanh Việt Nam - Thái Lan mua để tổ chức lại sản xuất!