Ông Tư Mãnh, nông dân xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) trồng 5 công mía (nông dân tính bằng đơn vị công ta, tương đương 6.500m2). Ngày 19.9, ông Mãnh phải hối thúc thương lái mua mía để ông bắt đầu chăm sóc lúa, bởi vì lúa sạ gởi trên ruộng mía đã trên mười ngày tuổi. Theo ông Mãnh, cây mía có thể đứng trong nước khoảng hai tuần để chờ nhà máy đường thu nguyên liệu, nhưng ông cần chặt mía sớm để trồng thêm vụ lúa tiếp theo. Vùng đất này không có đê bao, nên mỗi năm chỉ trồng một vụ mía và một vụ lúa. “Mất vụ lúa thì nông dân mệt lắm”, ông Mãnh nói.
Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, ông Lê Văn Chí, cho biết, năm nay, nước lũ về sớm gần một tháng, các nhà máy đường lại hoạt động trễ hơn mười ngày so năm ngoái, nên áp lực về mùa lúa tiếp theo càng thêm nặng nề. Theo ông Chí, sạ gởi là sáng kiến gần đây của nông dân để giúp cây lúa chạy đua với mùa nước lũ đang đổ về. Với cách làm này, lúa – mía sẽ đứng chung với nhau từ 10 – 15 ngày. Khi thu hoạch mía, cây lúa đã được gần nửa tháng tuổi. Thu hoạch mía xong, chỉ cần dọn bỏ lá, ngọn mía, bón phân, chăm sóc… lúa tiếp tục phát triển. Đến nay, đã có khoảng 200ha mía đứng đồng bị ngập nước theo triều, chiếm 2/3 diện tích mía toàn xã. Ở xã Phụng Hiệp, tất cả diện tích mía đều không có đê bao, phương thức sạ gởi được khai thác tới mức tối đa và hiện có khoảng 100ha mía cần thu hoạch sớm để kịp chăm sóc lúa sạ gởi.
Theo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, vụ mía năm nay, nông dân huyện trồng được 8.813ha mía, trong đó có gần 4.000ha không có đê bao bảo vệ. Dự kiến năm nay Phụng Hiệp có từ 4.000 – 5.000ha lúa được gieo sạ trên liếp mía và tập trung phần lớn ở vùng thiếu đê bao.
Hiện tại, giá thu mua mía ROC 16 tại ruộng là 1.000 đồng/kg; giống Quế Đường: 800 – 860 đồng/kg. Chị Thuý Loan ở ấp Sậy Niếu B (xã Phụng Hiệp) tính toán, trồng giống mía ROC 16 để bán sớm ngay từ đầu vụ là đảm bảo an toàn nhất cho người trồng, sau đó còn ăn thêm được mùa lúa. Cùng ở vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp nhưng với đặc thù liếp cao (ngập nhẹ), ông Nguyễn Ngọc Hải ở thị trấn Cây Dương lại chọn giải pháp lưu gốc mía, chăm sóc, để đến tháng 11 (ba tháng sau khi thu hoạch mía nguyên liệu) lại tiếp tục bán đợt mía hom (mía giống). Theo ông Hải, cách làm này giúp ông một năm được hai vụ mía vì giá mía hom luôn cao gấp đôi mía nguyên liệu chế biến đường.
Theo SGTT