TS Nguyễn Đức Kiên cho biết: Vấn đề theo tôi cần quan tâm hiện nay là đầu tư cho nông nghiệp chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đặt đầu tư cho nông nghiệp thành động lực cho tái cơ cấu. Đầu tư cho nông nghiệp phải trở thành động lực cho tái cơ cấu và xây dựng mô hình nông thôn mới.
Nhu cầu đầu tư của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn rất lớn, nhưng mức thu hút không như kỳ vọng. Theo ông, làm sao để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
- Phải đổi mới nhận thức, hình thành mô hình sản xuất mới. Mô hình hợp tác xã cũ đã không thành công. Chúng ta vừa có Luật Hợp tác xã mới dựa trên Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về phát triển kinh tế tập thể nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thu được những kết quả như mong muốn.
Điều quan trọng nhất là đưa nông dân tham gia vào sản xuất lớn, nhưng với những mảnh ruộng nhỏ như bây giờ, thì ngay cả việc dồn điền đổi thửa cũng không đúng nữa.
Vấn đề là phải có những cơ chế về mặt luật pháp, những mô hình để người nông dân được sử dụng ruộng ổn định trong thời gian dài và mang ruộng góp vào mô hình nông nghiệp để sản xuất lớn. Từ đó, nông dân là những cổ đông trong doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nông nghiệp dưới sự điều hành của những người am hiểu kinh doanh và khoa học công nghệ.
Theo Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường, cần phải đổi mới cải tiến công tác quản lý đầu tư về nông nghiệp, nông thôn theo hướng phân định rõ phạm vi trách nhiệm trong vấn đề đầu tư. Những việc Nhà nước có ưu thế thì Nhà nước thực hiện, không khuyến khích các thành phần khác tham gia. Còn những lĩnh vực có thể huy động xã hội thì dùng cơ chế chính sách, đặc biệt là ưu đãi để khuyến khích...
Như vậy, mới hình thành những cánh đồng rộng sản xuất bằng máy móc, thu nhập nông dân mới tăng. Tuy nhiên, lúc đấy, một bộ phận nông dân không làm ở đấy nữa và chúng ta cần có chính sách để chuyển đổi nghề cho họ.
Hiện nay, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn được xem là thiếu và yếu và vẫn cần hỗ trợ của các lĩnh vực khác. Phải làm gì để “tăng lực” cho các doanh nghiệp này?
- Đừng bao giờ nghĩ là doanh nghiệp ở thành phố với một ông chủ chưa từng thấy con trâu, con bò, không phân biệt được trâu với bò lại về đầu tư cho nông nghiệp. Tự người nông dân và người ở vùng nông thôn phải đứng lên chứ đừng bắt người khác phải cứu mình.
Tại sao nông dân không chịu góp ruộng để sản xuất lớn? Đảng và Nhà nước, các sắc thuế không cấm. Vấn đề là do nhận thức, nông dân chúng ta chờ đợi một sự hỗ trợ từ bên trên. Bản thân người nông dân chưa nhận ra rằng đấy là yêu cầu tất yếu để phát triển.
Lenin từng nói “Vô sản thế giới đoàn kết lại”, bây giờ giai cấp nông dân cũng cần phải làm thế. Nếu không liên hiệp lại thành lập các hợp tác xã theo mô hình góp ruộng, sản xuất công nghiệp hay là doanh nghiệp cổ phần trong nông nghiệp thì khó làm ăn, khó phát triển mạnh.
Chúng ta cứ nói rằng, tại sao nông dân lại yếu thế trong việc bán sản phẩm của mình. Nguyên nhân là vì họ chỉ có vài ba mẫu ruộng, vài ba công mía thì làm sao "đọ" lại được với một doanh nghiệp có nhà máy mía đường đầu tư những vùng nguyên liệu lớn, làm sao đọ được với những tư thương có vốn làm ăn mỗi năm 5 -7 tỷ đồng. Tuy nhiên, muốn làm được thì tổ chức Đảng, Hội Nông dân, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cho nông dân phương thức, biện pháp.
Một lúc nào đấy, chúng ta cũng phải chấp nhận dùng quy luật thị trường để “ép” người nông dân đi theo quy luật đó, không thể vận động, thuyết phục mãi được.
TS Nguyễn Đức Kiên
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn nhiều rủi ro do hạ tầng yếu kém. Vì thế, doanh nghiệp và nông dân vẫn cần nhiều hơn nữa những hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là cơ chế chính sách vào lĩnh vực này để tạo động lực phát triển?
- Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho nông nghiệp như không thu thuế nông nghiệp, không thu thuế đất, thủy lợi dùng thoải mái... Doanh nghiệp chế biến nông sản được hỗ trợ trong việc nhập máy móc, miễn thuế. Nhìn vào 19 tiêu chí của nông thôn mới thì có có nhiều yếu tố như điện, đường, trường, trạm thì cũng là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Như vậy, hỗ trợ của Nhà nước là rất lớn cho lĩnh vực này.
Một đằng, chúng ta nói muốn xây dựng cơ chế thị trường, một đằng chúng ta lại nói đưa tiền để nông dân làm là không hợp lý. Vấn đề là tự để người nông dân làm, không thể đợi một ông mắt xanh, mũi lõ về đầu tư cho nông thôn. Đấy là cái quan tâm nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt