Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôi nói thật với thủ tướng (Kỳ cuối): Số phận những con người
21 | 06 | 2007
Câu chuyện về một cuốn kỳ thư Quế Hiểu Kỳ là phó ban trị sự thường trực kiêm chủ biên tờ báo Luận Về Phát Triển Nông Thôn, do Ban nông nghiệp Tỉnh ủy Giang Tây chịu trách nhiệm xuất bản.

Quế Hiểu Kỳ được giao nhiệm vụ biên tập quyển sách Đường lối phương châm chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. Toàn bộ quyển sách thu thập đầy đủ 32 văn kiện chính sách pháp qui của trung ương và các bộ hữu quan thuộc Quốc vụ viện về giảm nhẹ đóng góp cho nông dân; 15 văn kiện, chính sách, pháp qui của tỉnh Hồ Nam, tỉnh Giang Tây và một số tỉnh khác về quán triệt chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, về dân thôn tự trị, về quản lý ruộng đất, về di dân xây dựng thị trấn...

Quyển sách rất được nhân dân hoan nghênh, nhưng mới phát hành bán được 13 ngày liền có thông tri đình chỉ. Hơn một vạn cuốn đã phát hành cũng có lệnh bất cứ giá nào phải thu về. Địa phương còn huy động cơ quan công an đi thu. Có người còn chỉ thị quyển sách này bán đến đâu thì phải quét sạch ảnh hưởng xấu đến đó.

Theo họ, in ra quyển sách này, nông dân có căn cứ chính sách, nông dân có thể cầm quyển sách này lên lãnh đạo xã lãnh đạo huyện gây phiền phức. Cán bộ cơ sở có người cáo lên tỉnh nói: Quế Hiểu Kỳ biên tập quyển sách này đã phá hoại sự ổn định của địa phương. Lãnh đạo tỉnh nghe thấy vậy không vui lắm, trong cơn giận dữ đã cách chức chủ biên và phó ban trị sự thường trực tòa soạn của Quế Hiểu Kỳ.

Cuốn sách của Lý Xương Bình đã được Công ty Tiền Phong và NXB Hội Nhà Văn dịch và phát hành ở VN, quí 2-2006, với tên gọi Số phận một con người.

Theo tin từ Công ty Tiền Phong, tháng 3-2007 sách sẽ được tái bản với tựa đề theo đúng nguyên bản tiếng Hoa: Tôi nói thật với thủ tướng.

Quế Hiểu Kỳ nói: “Tôi nghĩ thế nào cũng không thể thông được. Là một đảng viên cộng sản, là người phụ trách một tạp chí về cải cách nông thôn do Ban nông nghiệp tỉnh ủy chịu trách nhiệm xuất bản, sưu tầm chính sách nông thôn của đảng để nói cho nông dân biết. Đây là chức trách của tôi nên làm. Như vậy có điều gì sai?”.

Một số lãnh đạo xã huyện không cho như thế là phải, quen thói cho rằng: “Nếu không cho cán bộ xã huyện nắm chặt thắt lưng của nông dân thì nông dân dễ tạo phản, nông dân tạo phản là thành đại sự, thà không cho nông dân biết còn hơn là cho biết”.

Quế Hiểu Kỳ không phục, anh quyết làm cho ra nhẽ, nhất định đưa quyển sách này đến tận tay nông dân.

Chưa đến hai ngày, báo Phương Nam Cuối Tuần (ngày 12-10) với đề mục Một kỳ ngộ của một kỳ thư, đã đưa tin quá trình cuốn sách được in ra, được phát hành, sau đó bị đình chỉ, bị thu hồi và Quế Hiểu Kỳ bị cách chức. Không lâu sau chương trình Có lời cứ nói của truyền hình tỉnh Hồ Nam lại mời Quế Hiểu Kỳ làm khách quí, nói rõ với khán giả cả nước về “kỳ ngộ” của “kỳ thư”.

Chương trình Nửa giờ làm chuyện kinh tế của Đài truyền hình trung ương phát liên tục một tuần về “kỳ ngộ” của “kỳ thư”, gây nên một sự hưởng ứng, phản ứng một cách mạnh mẽ. Tiết mục kết thúc, người chủ trì còn đứng ra nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của sự kiện này, sẽ tiếp tục phát đến tận cùng tung tích”.

... Có một hôm, tôi đột nhiên nhận điện thoại của Quế Hiểu Kỳ, nói anh ta hiện nay có nhà mà rất khó về. Ngày nào cũng có người bên công an, viện kiểm sát đến gây phiền phức, không thể không đi tránh một thời gian.

Điều chẳng may gặp phải ở Quế Hiểu Kỳ, lại một lần nữa kiểm nghiệm lời nói của Thân Diệu Trung, một chuyên gia về vấn đề nông dân, khi viết thư cho tôi đã có một câu dự đoán: “Lương Thấu Minh vì nông dân mà nói đã bị trả giá, Bành Đức Hoài vì nông dân mà nói cũng bị trả giá và cho đến hôm nay ai vì nông dân mà nói cũng như vậy, đều phải trả giá”.

Không có lẽ hôm nay vì nông dân mà nói cũng bị trả giá ư!

Một trả giá đáng mừng

Sau khi bức thư của tôi gửi Thủ tướng Chu Dung Cơ được nhiều vị lãnh đạo nhà nước coi trọng, thư và báo cáo điều tra của đồng chí Hạ Quân Vĩ và Phan Văn Bác được truyền đọc rộng rãi trong tất cả các bộ phận ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Bộ Dân chính, cũng như ở Ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận chính trị hiệp thương toàn quốc, trở thành tài liệu tham khảo quan trọng để các bộ khởi thảo văn kiện về vấn đề “tam nông”. Tôi cũng nhiều lần được lãnh đạo các bộ gọi điện thoại hoặc gửi thư trao đổi vấn đề.

Từ tháng 9-2000, trung ương đã có quyết định, triển khai giáo dục “ba đại biểu’’, nhấn mạnh lợi ích nhân dân cao hơn tất cả, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, nhấn mạnh cán bộ các cấp thâm nhập cùng quần chúng hòa thành một khối, đồng cam cộng khổ.

Tháng 3-2001, trong hai cuộc họp của Quốc hội và Ủy ban Mặt trận toàn quốc, vấn đề tam nông đã trở thành vấn đề được chú ý nhiều nhất. Thủ tướng Chu Dung Cơ trong báo cáo đã chỉ rõ: “Trong thời gian kế hoạch năm năm lần thứ 10, phải đem chính sách cơ bản ở nông thôn, tăng cường địa vị cơ sở nông nghiệp và tăng thêm thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ trọng yếu của công tác kinh tế phải được quán triệt trong toàn Đảng”.

Sau đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ trong một cuộc họp tổ ở quốc hội đã đặc biệt tỏ rõ: “Có người hỏi tôi hiện nay cả ngày suy nghĩ lo lắng vấn đề gì nhiều nhất. Tôi trả lời họ tôi lo lắng bận tâm nhất là tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp. Vấn đề rất nhiều, nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề này”.

Trong thời kỳ mấu chốt của phát triển lịch sử, tôi với thân phận và địa vị rất thấp, chỉ là một cán bộ xã, đối với vấn đề trọng đại của đất nước, vấn đề quốc kế dân sinh, đã nói rõ quan điểm của mình, tôi cảm thấy ít nhất cũng đã làm tròn trách nhiệm mà người đảng viên phải tận trách nhiệm. Tôi đã làm được một việc có ý nghĩa đối với vận mệnh của tổ quốc và quần chúng nhân dân. Một đời, con người có thể làm được một việc có ý nghĩa dù có phải trả giá cũng là rất đáng. Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng.

Cũng nhờ ở thân phận của một bí thư đảng ủy xã, tôi mới viết được một bức thư như vậy, mới dẫn đến sự coi trọng và có tác dụng như vậy. Và cũng vì vậy mà phải mất chức bí thư đảng ủy xã cũng là chuyện thường tình, chuyện đương nhiên!

Nói thật lòng chẳng khác gì xuống địa ngục. Nếu có một ngày nào đó được gặp thủ tướng, tôi nhất định nói với thủ tướng: “Mọi người ai cũng muốn nói lời nói thật với thủ tướng, nhưng nói lời nói thật, thật đắng cay, thật đau lòng’’.

Nói thật lòng là quyền lợi cơ bản của con người. Lúc nào người Trung Quốc mới có tự do nói thật. Lúc đó hạnh phúc biết bao nhiêu!

Oan hồn của bốn nông dân

Khi “Kinh nghiệm của Giám Lợi” được tỉnh khẳng định thì tôi đã đi rồi. Bí thư huyện ủy Y cũng rất nhanh chân trở lại cương vị phó chủ tịch thành phố Kinh Châu. Một trận gió mạnh đã qua rồi. Cấp hành chính khu đã được huyện giải thể, lấy danh nghĩa khu phải có trách nhiệm giải quyết nợ nần cho chủ nợ, một lần nữa lại lên ngôi, ngồi ở công sở khu, bắt đầu thi hành các chính sách cưỡng chế để thu hết các khoản thuế phí tồn đọng các năm trước cũng như của năm 1999, lấy tiền trả cho chủ nợ.

Những khoản thu hợp lý cũng phải nộp, những khoản thu bất hợp lý cũng phải nộp. Những nông dân không chịu nộp hoặc không nộp nổi đều bị cưỡng chế vô điều kiện, bắt đến học tập cải tạo ở một lớp học tập.

Ở một số địa phương còn xuất hiện nhiều khẩu hiệu: “Kiên quyết đả kích những phần tử phá hoại chống nộp thuế nộp phí”. Không nộp thì: “Thấy trói không mở, nhảy xuống sông không vớt, uống thuốc độc không giật bình, có tố cáo không xét”.

Từ tháng 10-2000 đến tháng 1-2001, chỉ trong ba tháng huyện Giám Lợi đã có bốn cái chết (tự tử vì nợ thuế) của bốn nông dân, trong đó một người chết ở cơ quan xã, hai người chết ở cơ quan khu.

Đằng sau bốn án mạng, một nhà báo đã phân tích (mấy nguyên nhân):

1. Tác phong xấu của cán bộ là nguyên nhân trực tiếp.

Ở Giám Lợi, bắt nông dân quì là chuyện thường tình. Có một vị cán bộ huyện Giám Lợi đã từng nói một câu tuyệt hay: “Có rất nhiều nông dân đến cáo tội cán bộ, nói cán bộ bắt họ quì. Tôi đã từng nói với họ: Cha mẹ các anh bắt các anh quì, tại sao lại không lên huyện tố cáo? Bà phù thủy bắt các anh quì, các anh liền ngoan ngoãn quì ngay. Tại sao Đảng Cộng sản bảo các anh quì, các anh lại có ý kiến?’’. Lời nói này của vị lãnh đạo huyện Giám Lợi được truyền khắp huyện Giám Lợi.

Ở Giám Lợi, nông dân phải quì mỗi năm cũng đến hàng vạn. Nông dân thuộc về kẻ yếu. Đối mặt với việc quản chế thô bạo của cán bộ, thường thường chọn cái liều chết để chống trả, hoặc yếu thế tiêu cực thì chọn con đường tự tử.

2. Bí thư huyện ủy Y thăng quan và Lý Xương Bình phải ra đi là nguyên nhân gián tiếp.

Điều này đưa lại cho cán bộ và quần chúng nhân dân huyện Giám Lợi một tín hiệu sai lầm: trung ương, tỉnh quan tâm nông dân là giả. Cấp khu đã được xóa nay lại bắt đầu phục hồi, “nhà đen’’ (nhà giam, hầu như xã nào cũng có) bị cấm chỉ nay lại là việc đương nhiên, điều này khiến nông dân càng đau lòng và tuyệt vọng.

3. Nguy cơ nợ nần là nguyên nhân kinh tế.

Nợ nần ở cấp thôn, khu, xã huyện Giám Lợi đến 1 tỉ đồng. Trong đó cấp thôn ước 550 triệu, khu xã 300 triệu, cấp huyện 150 triệu. Hơn nữa đa số chủ nợ là cán bộ các cấp - còn ra là kẻ cho vay nặng lãi. Mỗi lần đến mùa thu thuế phí, cán bộ xã thôn đều lấy tiền thu được trừ vào số lãi của mình. Thu nhập tài chính của xã tự nhiên trở thành con số không.

4. Nền chính trị đen tối là nguyên nhân chính trị.

Một vài cán bộ và một nhóm lưu manh đầu gấu cấu kết với nhau hoành hành ngang dọc ở nông thôn, quản thúc nông dân, áp bức nông dân, chỉ cần đừng xảy ra án mạng là cáo trạng đều không có tác dụng. Nếu có xảy ra án mạng, nếu có truy cứu trách nhiệm đến bên trên, thì lãnh đạo huyện thường tỏ ra rất bực bội. Nhưng sau đó lại im lặng, bí mật dùng tiền để lấp liếm. Hình tượng của chính phủ và đảng ở cấp địa phương từ huyện trở xuống đã bị tổn thất nghiêm trọng.

5. Nông dân bần cùng hóa và phi nhân cách hóa là nguyên nhân xã hội.

Những năm gần đây, tác phong cán bộ thô bạo, hễ một tí là nạt, là bắt, là đánh, là quì, là nhốt là giam đối với nông dân nghèo không đủ tiền nộp thuế phí. Nông dân nghèo đã mất đi sự tôn nghiêm tối thiểu của con người. Tính tự trọng của nông dân nghèo bị cách đối xử phi nhân tính của cán bộ xấu tấn công mãnh liệt. Thường thường yếu bóng vía sẽ sinh ra yếm thế tự ti, chọn con đường chết, nếu táo bạo thì liều chết một phen với cán bộ.

LÝ XƯƠNG BÌNH

(TRẦN TRỌNG SÂM dịch)



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường