Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đừng để nông dân thêm yếu thế trong cơ chế thị trường
31 | 03 | 2008
GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, phát triển nông thôn phải tăng phúc lợi cho người nông dân, vì họ đang là bộ phận yếu thế nhất trong xã hội.
GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn nói: Có một sự hiểu nhầm rằng, phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là một, và Chính phủ giao Bộ NN-PTNT lo về phát triển nông thôn. Trên thực tế, Bộ này chưa làm được gì nhiều cả. Ngày trước, việc phát triển nông thôn do Bộ máy bên Đảng làm, có Ban Nông nghiệp TƯ lo tất cả các vấn đề về nông thôn như cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, xây dựng nông thôn như thế nào... , được cụ thể trong Chỉ thị 100, Nghị quyết TƯ 10.

Bây giờ, đưa nông thôn về Bộ NN-PTNT, trong khi Bộ hầu như chỉ lo phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai, mà lẽ ra phòng chống thiên tai là do Bộ Tài nguyên - Môi trường phải làm. Nên mỗi lần có thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTTN lại phải chạy khắp các địa phương để chỉ đạo, không có thì giờ để lo phát triển nông thôn.
Thứ hai, ở Việt Nam có sự hiểu nhầm về chuyện phát triển nông nghiệp tốt thì phát triển nông thôn tốt vì nông nghiệp đi lên kéo theo nông thôn phát triển. Thực tế không phải như vậy. Nông nghiệp là ngành sản xuất còn nông thôn là lãnh thổ. Hầu như tất cả các bộ, ngành của ta đều có bộ phận lo về nông thôn, như Giáo dục, Y tế rồi LĐ-TBXH... Vậy tại sao lại giao cho một bộ phụ trách cả công việc lớn như vậy?

Hiện nay, trong phát triển nông thôn có hai vấn đề lớn: ruộng đất và lao động, nhưng Bộ NN-PTNT lại không được quản lý.

GDP càng tăng, thu nhập của nông dân càng giảm

- Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân, như miễn giảm thuỷ lợi phí và nhiều khoản thuế khác. Song, thưa ông, tại sao người nông dân vẫn là đối tượng phải gánh chịu rủi ro đầu tiên, nhiều nhất trong quá trình phát triển?

- Giảm tất nhiên thì tốt rồi, nhưng cái đó không phải là chính. Ở Trung Quốc, thu nhập của người dân thành thị cao hơn nông thôn 3,6 lần. Họ cho rằng, đó là mới tính thu nhập bằng tiền chứ chưa tính phúc lợi là giáo dục và y tế. Nếu cộng cả hai yếu tố này, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị Trung Quốc là hơn 5 lần. Con số này ở Việt Nam hiện là 2,6 lần. Nếu tình hình vẫn như hiện nay thì sẽ giống như Trung Quốc.

Theo tôi, muốn giải quyết được vấn đề phúc lợi, không thể làm theo kiểu kinh tế thị trường. Bây giờ Việt Nam đang lẫn lộn giữa xã hội hoá, thị trường hoá và tư nhân hoá. Nếu muốn làm phúc lợi cho nông dân, phải xã hội hoá. Xã hội hoá thực chất là bắt dân đóng tiền thôi. Xã hội hoá là cả xã hội phải lo công việc đó.

GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn (ảnh Tuổi Trẻ)
GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn
(ảnh Tuổi Trẻ)
Hội Khoa học Phát triển nông thôn của chúng tôi kết hợp tổ chức thực hiện mô hình Tủ thuốc thú y ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Muốn vào tổ chức này thì phải đóng tiền. Chẳng hạn, nuôi một con lợn đóng mấy nghìn, gà đóng mấy nghìn. Tiền đó đi mua thuốc thú y tiêm phòng, trị bệnh cho vật nuôi. Nếu con vật đó chết, bà con sẽ được đền bù - đây thực chất cũng là một loại bảo hiểm.

Tuy nhiên, chẳng có vật nuôi nào chết cả vì đã được tiêm phòng hết rồi nên quỹ đó thừa tiền cho vay không lãi để phát triển sản xuất. Tức là, từ hoạt động bảo hiểm ra hoạt động tín dụng. Bây giờ, mô hình này hoạt động rất tốt và được nhân rộng ra toàn Bắc Kạn. Bảo hiểm cho nông dân là vậy, nhưng đi từ những việc nho nhỏ.

Như vậy, rõ ràng vẫn có cách để làm, nhưng hiện nay không có ai làm cả. DN làm là lỗ vì thiên tai nhiều quá.

- Với nông thôn, nông dân, phải chăng Việt Nam chưa có một chính sách dài hạn, một tầm nhìn xa mà chúng ta vẫn điều hành theo kiểu đối phó diễn biến sự kiện, sự việc?

- Sự nghiệp cải cách, phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta hiện nay không bền vững. Chính phủ, các nhà kinh tế đang mải chạy theo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Trong khi đó, GDP càng tăng thì thu nhập của nông dân càng giảm.

Qua nghiên cứu, tôi thấy hai vùng nông nghiệp phát triển tốt nhất nước hiện nay (ĐBSCL và Tây Nguyên) cũng là hai vùng nông thôn lạc hậu nhất, thu nhập nông dân tăng chậm nhất. Ở ĐBSCL, tỷ lệ trẻ em đi học thấp hơn cả miền núi phía Bắc, nông dân nghèo bỏ ruộng đi hết. Nếu vùng này không cơ giới hoá nhanh sẽ khó tiếp tục sản xuất tốt được.

Cần nhân rộng tính năng động

- Nhiều ý kiến cho rằng, nông dân Việt Nam có tính trông chờ, bị động, không vượt qua được sự hạn chế của chính mình nên luôn là đối tượng để làm từ thiện?

- Nông dân ở nước ta thường là thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ, thiếu tính năng động, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội cao. Tuy vậy, hiện có nhiều vùng nông dân rất năng động nhưng còn thiếu việc nghiên cứu các trường hợp năng động ấy để có thể chuyển giao tính năng động sang các vùng khác.

Chúng tôi đang nghiên cứu đề tài về làng nghề, cụm làng nghề có sự phát triển nổi trội, đặc biệt là ở Bắc Ninh. Từ nông dân, họ tìm ra nhiều cách làm ăn năng động. Mỗi làng đẻ ra hàng nghìn, hàng vạn DN nhỏ và vừa, tức là một hộ nông dân đứng ra kinh doanh, buôn bán rồi trở thành DN. Tất cả những việc đó chẳng ai hỗ trợ họ cả. Các hộ trung nông trở thành các trang trại gia đình cũng chính là DN.

Đây chính là các mô hình thúc đẩy sản xuất phát triển. Nếu biết tổng kết, nhân rộng cái đó thì GDP của Việt Nam còn tăng gấp đôi, vì tất cả sản xuất đó hiện không được tính vào GDP.

- Một vấn đề nóng bỏng hiện nay là người nông dân đang thiếu nghiêm trọng tư liệu sản xuất do mất đất trong quá trình CNH-HĐH. Thưa ông, cơ chế nào để thúc đẩy việc tập trung hoá ruộng đất từ các hộ không làm nông nghiệp hoặc làm nông nghiệp không hiệu quả vào tay các hộ chuyên sản xuất nông nghiệp?

- Các hộ nông dân nghèo, thiếu điều kiện để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nên giúp họ chuyển sang công nghiệp và dịch vụ ở đô thị hay ở nông thôn, nhường lại đất cho các hộ phát triển nông nghiệp.

Cơ chế thì rất dễ. Tiền mà mình bỏ ra để đền bù thì mua lại đất của họ. Tôi tính thế này, các gia đình muốn bỏ đất lên thành phố sinh sống thì Nhà nước nên hỗ trợ họ bằng cách mua lại đất. Song, đến nay chưa có chương trình nào như vậy cả mà người dân đang làm hoàn toàn tự phát. Họ tự bán đất lên thành phố, không sống được đành quay về.

- Bộ NN-PTTN đang xây dựng chương trình chính sách Tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân). Chương trình này phải đưa ra quyết sách gì để giải quyết được cơ bản các vấn đề còn tồn tại trong nông thôn Việt Nam hiện nay?

- Nếu muốn làm được phải thay đổi bộ máy và cách làm việc của Bộ NN-PTTN. Với cách làm hiện nay, Bộ chưa hiểu nhiều về nông thôn, nông dân. Nhiều cán bộ nông nghiệp có đi nông thôn đâu, toàn ngồi bàn giấy nên hay nói dựa, nói theo.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay, về thực chất, là vấn đề phát triển bền vững. Nếu công cuộc Đổi mới của nước ta dẫn đến một sự phân hoá xã hội quá mức, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không bền vững. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau, song, nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể CNH-HĐH đất nước một cách vững chắc được.

- Xin cảm ơn ông.



Hà Yên - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường