Đây sẽ là đợt tăng giá lớn nhất về số lượng hàng hoá với mức tăng bình quân 20% cho nhóm thực phẩm, 10% ở nhóm hoá mỹ phẩm, 10% ở nhóm gia dụng và 8%/nhóm hàng may mặc…
Giá cả như ngựa bất kham
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark nói: “Đợt tăng giá trong tháng 3.2008 mới chỉ là khởi đầu, đợt tăng giá tháng 4 mới đúng là “bão”. Hiện lượng hàng dự trữ của các siêu thị, các công ty đã bán hết và họ đang chịu các áp lực về chi phí sản xuất sau khi tăng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu, lãi vay ngân hàng… nên phải tăng giá”. Cụ thể ở Maximark, đã có trên 500 nhà cung cấp hàng áp dụng mức giá mới cho hơn 1.000 mặt hàng.
Với những công ty đã điều chỉnh giá trong tháng 3 ở mức chỉ 5%, lần này lại tiếp tục điều chỉnh giá thêm 5%; những công ty chưa tăng giá lần trước thì lần này tăng bình quân 10 – 20%. Ở các chợ bán lẻ và chợ đầu mối, giá nhiều loại rau củ, khô, cá đã cao hơn mức “đỉnh” của tết nguyên đán vừa rồi. Theo ban quản lý các chợ, hàng hoá về chợ không thiếu, nhưng giá cứ nhích dần lên do tác động tăng giá chung.
Như vậy, toàn thị trường sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, đều khắp với mức cao hơn ít nhất là 5%, cao nhất có thể lên đến gần 40% so với mức giá của đầu năm 2008. Chưa có năm nào CPI trong tháng 3 lại tăng so với tháng 2 (tháng 3.2008 tăng so với tháng 2.2008 là 1,9%) vì thông thường đây là tháng mua sắm thấp điểm nhất trong năm. Lần này, quy luật giảm giá trong tháng 3 hàng năm so tháng 2 bị phá bỏ.
Phản ứng của người tiêu dùng
Giảm chi tiêu, đặc biệt giảm số lần đến siêu thị mua sắm là cách mà nhiều người tiêu dùng áp dụng để phản ứng lại với giá tăng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết: “Hiện nay khách hàng thường tập trung mua những mặt hàng thiết yếu và giảm mua ở những mặt hàng không thường xuyên như may mặc, mỹ phẩm, đồ dùng…”.
Vì giá tăng, nên cùng mức chi tiêu như trước, khách hàng phải cân nhắc để co kéo mua sắm cho vừa các nhu cầu. Chị Hoàng Lê cho biết: “Trước đây một tuần tôi đến siêu thị ít nhất hai lần, ngoài nhu cầu mua các thứ thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày tôi còn mua thêm những thứ mà mình thấy thích dù chưa cần dùng. Nay thì mỗi lần đi siêu thị tôi phải tính trước cần mua những gì, mang theo số tiền vừa đủ để tránh việc gặp gì mua nấy. Nhiều người tiêu dùng còn thay đổi thói quen mua sắm bằng cách tìm đến các điểm bán khác để mua các loại sản phẩm có giá rẻ hơn như ra cửa hàng mua hoá mỹ phẩm để có giá rẻ hơn 3 – 5% so với tem giá in sẵn trên bao bì, chọn thực phẩm chế biến Thái Lan, chọn bánh kẹo Malaysia, chọn hàng gia dụng Trung Quốc… thay cho những mặt hàng Việt Nam đang có giá cao… Vì lý do kinh doanh, nhiều chủ siêu thị dè dặt trong việc công bố mức giảm sức mua, nhưng bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc hệ thống siêu thị Hà Nội cho biết: “Do tăng giá, sức mua tại siêu thị đã giảm từ 10 đến 15% so cùng kỳ năm ngoái”.
Các chợ như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu sức mua cũng giảm từ 10 đến 30%. Trên thị trường, ngay ở mặt hàng được coi là “thiết yếu” như thịt heo, vì giá tăng, nên lượng thịt về chợ Phạm Văn Hai mỗi ngày chỉ còn 110 tấn (so với mức bình quân 150 tấn) nhưng tiêu thụ cũng không hết. Tương tự, tại chợ thịt heo An Lạc, trước đây tiêu thụ trên 100 tấn/ngày thì nay giảm còn 70 tấn. Ngay cả thực phẩm khô hiện nay lượng tiêu thụ mỗi ngày đều giảm mạnh trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày lượng tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền chỉ còn khoảng 17 tấn/ngày so với mức bình quân trước đây là 25 tấn/ngày.