Nguồn dongnai.gov.vn
Theo đó, sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ với nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất, đầu ra bền vững đang là hướng đi của nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.
Xuất khẩu vẫn gặp khó
Hiện giá hồ tiêu đang dao động ở mức mức 64-66 ngàn đồng/kg, giảm hơn 20 ngàn đồng/kg so với thời điểm giá tốt của vụ thu hoạch trước đó. Thời gian gần đây, giá hồ tiêu trên đà giảm mạnh do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn trong khi đó Việt Nam và một số nước trên thế giới đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới, các nhà xuất khẩu cần đẩy tồn trước khi bước vào vụ thu hoạch mới.
Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh, trong tháng 8 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 4,4 triệu USD, giảm 2,4% so với tháng trước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt 20 triệu USD tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Tỉnh hình xuất khẩu của cả nước theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tháng 8 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tiêu cả nước đạt 66 triệu USD. Lũy tiến 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt 739 triệu USD, giảm 19% về sản lượng so với cùng kỳ về lượng nhưng tăng 11,1% về giá trị. Tuy nhiên, doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu, trồng tiêu không được hưởng lợi vì cả chi phí sản xuất nông nghiệp cũng như chi phí xuất khẩu, nhất là khâu vận chuyển đều tăng cao.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng căng thẳng chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có nguyên nhân nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch mới với kỳ vọng đạt năng suất tốt hơn vụ thu hoạch năm ngoái, các nhà xuất khẩu đang đẩy mạnh bán hàng để chuẩn bị cho vụ mới.
Cơ hội cho tiêu hữu cơ
Theo dự báo của nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, vụ tiêu sắp tới, năng suất hồ tiêu có thể đạt tốt hơn nhiều so với vụ thu hoạch năm ngoái. Trong đó, mô hình sản xuất tiêu sạch, sản xuất tiêu hữu cơ và vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Thắng, nông dân ở xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ cho biết, năm ngoái tiêu được giá nhưng tiêu mất mùa nặng. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất tiêu đạt tốt hơn so với vụ năm ngoái. Gia đình ông Thắng là một trong những hộ dân tham gia dự án cánh đồng lớn sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ tại địa phương. Sản xuất ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và các giải pháp sinh học để phòng trừ dịch bệnh; sử dụng phân chuồng hoặc tự ủ phân hữu cơ để chăm sóc cho vườn cây…Theo ông Thắng: “Thời gian đầu, sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất cây tiêu không bằng sử dụng phân hóa học nhưng giảm được phần nào chi phí sản xuất. Nông dân chúng tôi yên tâm gắn bó với dự án sản xuất sạch vì có HTX tại địa phương bao tiêu với giá cao hơn từ 4-5 ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung ngoài thị trường”.
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cũng là một trong những nông dân đi tiên phong sản xuất tiêu hữu cơ và hiện hơn 2ha tiêu của gia đình ông đã được công nhận tiêu hữu cơ. Theo ông Bá, toàn tỉnh có 3,5ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhưng thực tế diện tích sản xuất theo đúng quy trình hữu cơ lớn hơn nhiều. Cụ thể, hiện tại xã Lâm san đã thành lập được 1 tổ hợp tác có 56 thành viên tham gia thực hiện trên điện tích 64,5 ha. Trong đó, có 16 hộ với diện tích 22,4 ha thực hiện chuyển đổi năm 3 sang sản xuất hữu cơ và đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận. Tổ hợp tác đã xây dựng quy trình sản xuất chung cho nhóm như nhân khối vi sinh vật bản địa làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, ủ cá tạp, bã đậu nành làm phân bón, thành lập được ban quản lý nội bộ, các hộ ghi chép nhật ký công việc nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất.
Ông Bá nhận xét: “Về cơ bản, nông dân Lâm San đã xây dựng được một vùng nguyên liệu với trình độ sản xuất khá cao, có năng suất, chất lượng tốt, đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm vai trò chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị”.