Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu
29 | 03 | 2008
Tỉnh Đắc Lắc hiện có 174.740 ha cà phê, nhiều nhất cả nước với sản lượng hàng năm đạt trên 350.000 tấn sản phẩm, giá trị xuất khẩu chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cây cà phê đã đóng góp tới 60% GDP của tỉnh và trên 1/4 số dân trong tỉnh chuyên sản xuất cà phê. Với tầm quan trọng của việc phát triển loại cây này, hiện nay, tỉnh Đắc Lắc đang thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng sản phẩm cà phê.
Theo các nhà chuyên môn, phần lớn diện tích cà phê của Đắc Lắc trồng thực sinh, cây đã già cỗi, nên gần đây các vườn cây phát triển không đồng đều, tỉ lệ cây không có hiệu quả chiếm tới 15%, kích cỡ hạt nhỏ...

Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo việc rà soát diện tích cà phê, chuyển một số diện tích đất không phù hợp (đất dốc, thiếu nước tưới) chuyển sang trồng các loại cây khác; thực hiện cải tạo bộ giống, trẻ hoá vườn cây; ưu tiên thực hiện đầu tư thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng vườn cây theo tiêu chuẩn bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở nắm vững đặc điểm sinh thái cây cà phê, Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn cho nông dân trồng bổ sung hệ thống cây chắn gió, cây đai rừng phòng hộ và cây che bóng là các loại cây ăn quả thích hợp, vừa đa dạng hoá cây trồng, vừa tăng thu nhập. Những cây cà phê già cỗi năng suất thấp, cây cà phê bị bệnh rỉ sắt đã được thay thế bằng cưa đốn và ghép chồi giống cây ưu tú để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng quy trình, định mức đầu tư chăm bón, thu hoạch và chế biến cà phê theo tiêu chuẩn bền vững phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó khuyến khích nông dân sản xuất cà phê an toàn; chỉ đạo đầu tư chăm bón hợp lý, phải giảm lượng phân vô cơ, tăng lượng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật.
Mặt khác, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư cho khâu chế biến quả khô và chế biến quả tươi; hạn chế tối đa việc thu hái quả xanh, phòng trừ nấm mốc cà phê. Đặc biệt là việc áp dụng công nghệ chế biến tốt (GMP) để tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, tỉnh đang xây dựng tiêu chuẩn, định mức sản xuất, quy định nghiêm ngặt về sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên thị trường, đa dạng hoá cà phê chế biến, khuyến khích tiêu thụ nội địa.




Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường