Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tăng mạnh, cà phê Việt Nam nhiều cơ hội tại Pháp, Canada
10 | 11 | 2022
Hiện nay, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Pháp và Canada vẫn ở mức thấp. Cà phê Việt còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới này trong thời gian tới.

Nguồn: Hải quan Online

Theo phân tích mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của hầu hết các thị trường có dung lượng lớn tăng. Nhờ vậy, ngành cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với khó khăn, giá giảm xuống mức thấp, nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Nhiều khả năng các tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường cà phê toàn cầu vẫn đối mặt với khó khăn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022/2023 tăng 7,8 triệu bao (tương đương mức tăng 4,7%) so với niên vụ 2021/2022.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.

Cục Xuất nhập khẩu đặc biệt phân tích sâu một số thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới, điển hình là Pháp và Canada.

Pháp là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới. Theo khảo sát, 68% người Pháp uống cà phê thường xuyên. Chủng loại cà phê được người tiêu dùng Pháp ưa chuộng là cà phê đặc sản và cà phê hòa tan do cuộc sống bận rộn, thu nhập cá nhân tăng.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của Pháp đạt 1,9 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Pháp nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 40,7 triệu USD, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Pháp chiếm 2,14% trong 7 tháng đầu năm 2022, cao hơn so với thị phần 1,39% trong 7 tháng đầu năm 2021.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã giúp ngành cà phê Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng thị phần tại Pháp. Tuy nhiên, thị trường Pháp yêu cầu khá khắt khe về chất lượng cà phê, do đó thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Pháp vẫn ở mức thấp.

Với thị trường Canada, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết: cà phê được coi là một phần quan trọng trong thói quen hàng ngày của nhiều người Canada.

Theo khảo sát từ Hiệp hội Cà phê Canada, 71% người trưởng thành Canada uống cà phê hàng ngày, tiêu thụ bình quân 2,7 tách/ngày. Do đó, Canada được coi là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu cà phê.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, 7 tháng đầu năm 2022, Canada nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 1,08 tỷ USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Canada nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 18,4 triệu USD, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Canada tăng từ 1,26% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 1,69% trong 7 tháng đầu năm 2022. Nhìn chung, ngành cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada trong thời gian tới.

Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA thúc đẩy xuất khẩu cà phê, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường các FTA, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.

Đồng thời, doanh nghiệp phải tích cực, chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn...

Quý 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 319 nghìn tấn, trị giá 753,9 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với quý 2/2022, so với quý 3/2021 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá.

Quý 3/2022 so với quý 2/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực giảm. So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu sang hầu hết khu vực tăng, trừ khu vực châu Phi. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 97,2% xuất khẩu tới khu vực châu Đại Dương; mức tăng thấp nhất 11,4% xuất khẩu tới khu vực châu Á.

 



Báo cáo phân tích thị trường