Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới đang có cái nhìn khác trước với cà phê Việt
09 | 09 | 2022
Gắn với vị thế sản lượng và ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới, cà phê Việt Nam tăng trưởng nội địa tốt lên, mở rộng chế biến sâu thay vì xuất thô, và qua đó định hình triển vọng mới...

Nguồn nhipsongkinhdoanh.vn

Gắn với vị thế sản lượng và ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới, cà phê Việt Nam tăng trưởng nội địa tốt lên, mở rộng chế biến sâu thay vì xuất thô, và qua đó định hình triển vọng mới...

Vị thế và ảnh hưởng đó đang góp phần định hình những chuyển động trên thị trường tới đây. Sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ không tăng mà có xu hướng giảm, trong khi lượng cà phê chế biến sâu và tiêu thụ nội địa ngày càng tăng trưởng, cà phê nguyên liệu dành xuất khẩu sẽ giảm, nhà xuất khẩu phải định hướng lại kế hoạch kinh doanh, thế giới cũng có cái nhìn khác trước về cà phê Việt...

Nhiều yếu tố đang tác động thị trường chung

Ngày 23/8, giá trong nước tiến sát mốc 49.000 đồng/kg, qua ngày 25/8 bật tăng lên 49.700 – 50.200 đồng/kg. Đến ngày 29/8, giá cà phê đồng loạt đi ngang, ổn định trong khoảng 48.300 - 48.900 đồng/kg. Sáng ngày 30/8, giá cà phê dao động từ 48.200 - 48.800 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng giá cà phê đạt mức thấp nhất 48.200 đồng/kg, tại tỉnh Kon Tum có giá cao nhất 48.700 đồng/kg.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 30/8, duy trì đà giảm trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London giảm gần 1,5% (tương đương 34 USD) xuống mức 2.281 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 240,5 US cent/pound, giảm nhẹ dưới 1% (tương đương 1,5 US cent).

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, sau thời gian tăng giá, giá cà phê nhân trên thị trường trong nước đang biến động do yếu tố cung cầu và tác động từ hai sàn London và New York, cộng việc các nhà đầu cơ đã mua nhiều quá bây giờ muốn giảm tồn kho nên phải tung hàng ra.

Hiện nay, ngoài yếu tố thị trường và cung cầu, giá cà phê còn chịu tác động bởi sản lượng.

Các năm trước, Việt Nam sản xuất được khoảng 1,7 triệu tấn/năm và xuất khẩu trên dưới 1,5 triệu tấn/năm, nhưng mấy năm qua sản lượng cà phê không tăng mà đang có xu hướng giảm. Có hai lý do.

Một là, theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, trong gần 700.000 ha cà phê của cả nước có gần 200.000 ha xen canh hồ tiêu và sầu riêng. Tuy vậy, nhiều năm qua diện tích trồng xen vẫn được báo cáo là diện tích cà phê.

“Mấy năm trước, giá cà phê thấp khi trồng xen người nông dân lại ưu tiên đầu tư, chăm sóc cây sầu riêng và cây hồ tiêu, vì hai loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn cây cà phê nên sản lượng cà phê trong diện tích trồng xen này chắc chắn sẽ giảm.

Mặc dù năm nay thời tiết thuận lợi phù hợp cây cà phê phát triển và cho năng suất cao, nhưng VICOFA dự kiến sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ tới sẽ giảm trên dưới 10% (do gần 200.000 ha cà phê trồng xen giảm năng suất và sản lượng, kéo sản lượng cà phê cả nước giảm theo).

Trong tương lai sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ không tăng và có xu hướng giảm do người nông dân chỉ chú trọng đến cây sầu riêng và cây hồ tiêu cho giá trị kinh tế cao hơn”, Chủ tịch VICOFA nói.

Hai là, khoảng 2 đến 3 năm gần đây tiêu thụ nội địa đang tăng cao, khi tiêu thụ nội địa tăng thì lượng cà phê để xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm.

Vẫn theo ông Hải, trước đây tiêu thụ nội địa trên dưới 200.000 tấn/năm nay tiêu thụ nội địa phải hơn 300.000 tấn cà phê /năm và sẽ không dừng lại. VICOFA cũng vừa đánh giá, những năm gần đây tiêu thụ nội địa ngày càng tăng cao, điều này đồng nghĩa nguyên liệu để xuất khẩu sẽ giảm. Vấn đề này đặt ra câu hỏi “định hướng của các nhà xuất khẩu trong thời gian tới như thế nào?”

Triển vọng ngành cà phê đang rất tốt

Trong điều kiện tồn kho giảm năm nay giảm, giá cà phê tăng cao thì định hướng sản lượng của niên vụ 2022 - 2023 cũng sẽ giảm. Như vậy định hướng xuất khẩu về sản lượng của doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải thay đổi, và phải định hướng về thị trường như tính toán cụ thể khối lượng xuất khẩu, hoặc không ký hợp đồng bán giao xa.

Thứ hai, tiêu thụ nội địa tăng rất tốt cho thị trường cà phê trong nước, nhưng lại tác động lên khối lượng xuất khẩu cà phê nhân của các doanh nghiệp, buộc họ phải tính toán lại.

Trong hai năm vừa qua những sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay... tăng cao.

Theo tổng kết 9 tháng đầu niên vụ của VICOFA, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm rang xay, hòa tan chiếm trên dưới 15%, so với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành cà phê. Đây là một bước phát triển lớn và kết hợp với tiêu thụ nội địa cho thấy triển vọng ngành cà phê đang rất tốt và không còn phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nhân.

Trước tình hình này các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân cần phải có định hướng phù hợp với thị trường sản lượng.

“Có khả năng lượng tồn kho đang trong xu hướng giảm và niên vụ tới cũng có thể giảm, hơn nữa khi tiêu thụ nội địa tăng thì nguyên liệu để xuất khẩu sẽ không còn dồi dào như những năm trước, buộc các nhà xuất khẩu cà phê nhân phải có định hướng phù hợp. Đối với các nhà rang xay nước ngoài nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam cũng tính toán lại. Qua đó cho thấy triển vọng ngành cà phê Việt Nam rất tốt.

Không chỉ nhà xuất khẩu Việt Nam phải định hướng lại kế hoạch kinh doanh của họ trong năm tới và các năm tiếp theo, nhà rang xay quốc tế cũng sẽ nhìn cà phê Việt Nam với cái nhìn khác hơn trước đây.

Sắp tới, Việt Nam không còn là nước xuất cà phê thô bởi cà phê chế biến sâu và tiêu thụ nội địa đang tăng trưởng mạnh. Chính các yếu tố trên sẽ giúp cho giá cà phê xuất khẩu trong năm 2023 sẽ khởi sắc hơn so với năm nay”, Chủ tịch VICOFA nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tháng 8/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới ước đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022 đạt 1,2 triệu tấn, tương đương 20 triệu bao (loại 60kg), đạt 2,8 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2021. Với đà tăng này, mục tiêu xuất khẩu USD năm 2022 sẽ đạt vào tháng 9/2022.

 



Báo cáo phân tích thị trường