Theo Tin nhanh Chứng khoán
Thiên thời, địa lợi
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 713.546 tấn, trị giá hơn 341 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9. Đây là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh ngay sau khi Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu ban lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm (chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với các loại gạo trắng, kể từ ngày 8/9/2022.
Nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc, lũ lụt ở Bangladesh) đã thúc đẩy nhiều thị trường chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam.
Đặc biệt, ngành gạo trong những năm gần đây có sự chuyển dịch từ gạo phân khúc thấp sang phân khúc gạo thơm, chất lượng cao, giúp lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường khó tính gia tăng và dần khẳng định được chỗ đứng.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho biết, Công ty tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao, gạo có thương hiệu ở cả kênh bán hàng truyền thống và hiện đại, siêu thị và xuất khẩu. Riêng tháng 10/2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 84,8%, thị trường EU tăng 82,2% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận xét, trước đây, gạo Việt xuất khẩu đa phần là hàng gạo bình dân, nhưng nay ghi dấu ấn nhiều hơn ở sản phẩm chất lượng cao. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu sang EU đạt 700 - 1.250 USD/tấn, tùy loại (giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam sang EU trong 6 tháng đầu năm 2022 là 729 USD/tấn). Mỗi tháng, Công ty xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này.
Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam có hiệu lực (1/8/2020), Công ty đã được chọn để xuất khẩu lô gạo đầu tiên và cho tới nay đã xuất khẩu 30.000 tấn gạo sang thị trường EU. Các hợp đồng xuất khẩu đã ký với các đối tác EU sẽ được Lộc Trời hoàn tất trong quý II/2023. Để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất gạo chất lượng cao, vừa qua, doanh nghiệp đã ký gói thỏa thuận vay vốn với 7 ngân hàng trong và ngoài nước, tổng hạn mức 100 triệu USD.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường EU ưa chuộng các loại gạo thơm, chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine…
Triển vọng sáng năm 2023
“Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế gạo trắng, cùng với tình hàng khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tình hình xuất khẩu gạo vẫn đang rất thuận lợi”, ông Phạm Thái Bình cho biết.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đánh giá, với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy, xu hướng tăng giá có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Còn sang năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, đây cũng là một năm xuất khẩu cho xuất khẩu gạo. Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) có thể ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất niên vụ 2022 - 2023. Bên cạnh đó, nhiều nước gia tăng bảo hộ mậu dịch nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Trong bối cảnh nguồn cung giảm khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng giá trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong trường hợp Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo của Việt Nam.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, nhưng cũng nhập khẩu gần 1 triệu tấn, chủ yếu là gạo cấp thấp, nhằm phục vụ sản xuất bún, bánh, rượu, bia, thức ăn chăn nuôi… Bởi lẽ, người dân dần chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, khiến nguồn cung gạo cấp thấp thiếu hụt.
Kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2022 là 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021. Tính đến cuối tháng 10, cả nước xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, riêng xuất sang Philippines là hơn 2,7 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, cả năm 2022 sẽ xuất khẩu được 7,2 - 7,3 triệu tấn gạo.