Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giữ vững thị trường trọng điểm Trung Quốc
23 | 02 | 2023
Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc ngay sau khi thị trường này mở cửa trở lại sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Thu hoạch vải ở huyện Lục Ngạn. 	Ảnh: TTXVN
Thu hoạch vải ở huyện Lục Ngạn. Ảnh: TTXVN

Chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn...

Tuy nhiên, theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.

Ngoài ra, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.

Còn theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

Với riêng tỉnh Quảng Tây (chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc), ông Sơn khuyến nghị nên chuyển dần xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng chú ý, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Điều này sẽ giúp giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật

Bàn về định hướng hợp tác kinh tế với thị trường tỷ dân thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Sơn chia sẻ.

Với doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương đề nghị thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu.

Ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc: Nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Lệnh 248 và 249 dựa trên các quy định trước đó của Trung Quốc, hoàn toàn không phải “chuyện bất ngờ”, chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm, quy rõ trách nhiệm của từng khâu. Chúng tôi cũng đã tham khảo các cơ quan liên quan, gồm cả WTO. 2 lệnh này được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu kỹ về hai lệnh này. Hàng chục nghìn doanh nghiệp hai nước đã tải xuống các tài liệu được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, cho thấy sự phối hợp, quan tâm của các bên.Các Lệnh 248, 249 cũng nằm trong chỉnh thể hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển,... đều được tách bạch.

Doanh nghiệp hai nước có thể vào trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xem xét cụ thể loại nông sản, thủy sản nào cần đăng ký để xuất khẩu chính ngạch, loại nào cần có đảm bảo của doanh nghiệp Trung Quốc, thông qua kênh chính thức. Tại trang web này, doanh nghiệp cũng có thể nắm bắt các quy định liên quan, cơ quan phụ trách xử lý vấn đề, các bước đăng ký. Hạn mức xuất nhập khẩu, quy trình xét nghiệm, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ghi rõ.

Sau khi đăng ký, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có phản hồi, hỗ trợ, hậu kiểm. Ngoài việc tuân thủ quy định liên quan, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể chủ động đưa ra yêu cầu phù hợp với thực tế.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 



Báo cáo phân tích thị trường