Cuộc họp được bắt đầu bằng những bình luận về triển vọng phát triển kinh tế sau đó đi thẳng vào hai vấn đề lớn sẽ được đặt ra tại Hội nghị: Liệu mức độ tăng trưởng của Việt Nam có được tiếp tục duy trì trong những năm tới? Việt Nam có trở thành hiện tượng Trung Quốc thứ hai?
Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network và là chuyên gia về Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit nhận định: “Triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỉ lệ tăng trưởng năm 2007 khoảng 8% và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới”.
Theo ông Wood, về dài hạn, Việt Nam có rất nhiều nhân tố tích cực để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đó là một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ ngày càng tăng. Cam kết của Chính phủ về việc tự do hoá nền kinh tế và đưa ra các cải cách nền tảng thị trường nhất định sẽ đem lại những tác dụng tích cực.
Với vai trò của vị đồng chủ toạ của Hội nghị, ông Wood ghi nhận: “Nếu chúng ta nhìn vào tốc độ tăng trưởng năm ngoái thì Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tiếp đến là Campuchia và kế đó là Việt Nam. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước có GDP cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Chúng tôi nhìn thấy triển vọng phát triển của Việt Nam còn tiếp tục mạnh mẽ trong những năm tới nên việc lựa chọn chủ đề “Việt Nam: Ngôi sao đang lên ở châu Á” là chủ đề phù hợp với Việt Nam và đặc biệt phù hợp cho bối cảnh tình hình kinh tế Đông Nam Á hiện nay”.
Niềm tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam không chỉ đến từ quan điểm của nhà tổ chức mà còn được củng cố hơn nữa từ góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài cụ thể đang kinh doanh thành công tại thị trường Việt Nam.
Ông Thomas Tobin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HSBC Việt Nam bình luận: “Chỉ trong năm qua thôi chúng ta đã thấy rất nhiều thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ, kết quả của quá trình tự do hóa thị trường ở Việt Nam. Hiện nay các tổ chức nước ngoài đã được phép nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nội địa với tỷ lệ lên đến 30%. Một bằng chứng tiêu biểu là việc HSBC mua 10% cổ phần tại Techcombank vào cuối năm 2006 và gia tăng số cổ phần nắm giữ lên 15% trong năm 2007”.
Ông Chủ tịch HSBC trông đợi năm 2008 và những năm kế tiếp sẽ là một năm bùng nổ cho ngành tài chính ngân hàng với những cải cách không ngừng của chính phủ Việt Nam. “Xu hướng phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng bao gồm việc cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, thành lập các ngân hàng nội địa, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng con sẽ dẫn đến việc phát triển mạng lưới cũng như tạo sự cạnh tranh và cuối cùng là mang đến các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và một hệ thống ngân hàng vững mạnh ở Việt Nam”, ông Thomas Tobin nói.
Song song với những triển vọng tốt đẹp đối với Việt Nam nói chung và khu vực tài chính nói riêng, ông Thomas Tobin cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, một trong số đó là sự khan hiếm nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Cơ sở hạ tầng vẫn còn là một trở ngại không nhỏ khi mà hệ thống đường sá, cơ sở vật chất và các dự án xây dựng đang chịu một áp lực không nhỏ để theo kịp đà phát triển nhanh chóng cũng như tăng trưởng kinh tế cao hiện nay.
Việt Nam có thể trở thành hiện tượng Trung Quốc thứ hai? Câu trả lời của ông Justin Wood là chưa vì bên cạnh những điểm giống Việt Nam vẫn có nhiều điểm khác Trung Quốc nên Việt Nam khó đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số. Ông giải thích, trước hết là do quy mô thị trường hai nước rất khác biệt. Việt Nam chỉ có quy mô dân số 85 triệu trong khi Trung Quốc 1,3 tỉ dân. Do đó, có nhiều vấn đề Việt Nam không phải trải qua như Trung Quốc.
Một yếu tố nữa là tốc độ cải cách. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc chúng ta thấy ở Việt Nam việc thực hiện cải cách được tính toán ổn định và vững chắc hơn, nên tốc độ tăng trưởng 8,5%/năm tương đối phù hợp với Việt Nam. Ngoài ra cũng phải tính đến những yếu tố kinh tế vĩ mô khác như tỉ lệ tiết kiệm. Ở Trung Quốc tỉ lệ này cao hơn rất nhiều do đó tỉ suất đầu tư cũng tăng lên và như vậy Trung Quốc có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam.
Nhất trí với ý kiến của vị chủ toạ, ông Peter Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital phân tích chi tiết hơn: Chúng ta phải tính đến một số nhân tố vô hình ở Việt Nam. Vì dân số Việt Nam khác Trung Quốc, ở Việt Nam tương đối thuần nhất trong khi Trung Quốc có nhiều dân tộc khác nhau và ngôn ngữ khác nhau.
Dân cư thuần nhất của Việt Nam sẽ làm giảm đi rất nhiều xung đột nội tại trong xã hội. Điều đó là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế. Theo đánh giá của Tập đoàn an ninh châu Á thì năm vừa qua Việt Nam là nơi an toàn thứ hai ở trên thế giới và an toàn nhất ở Đông Nam Á.
“Tôi rất tin vào vai trò quan trọng của vị trí địa lí gắn liền với số phận của một dân tộc. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nhưng nó cũng giống như một hòn đảo vì cách đây ít lâu tôi có làm cuộc điều tra và kết quả cho thấy 60% người Mỹ tin rằng Việt Nam là một hòn đảo. Đây là điều rất thú vị. Khi đó tôi đã cười 60% người dân Mỹ coi Việt Nam là hòn đảo. Nhưng bây giờ tôi đã nghĩ lại và nhận thấy rằng chính 40% người Mỹ còn lại cho rằng Việt Nam không phải đất nước đảo là sai.
Tại sao như vậy? Gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam giáp với biển, đây là điều khác biệt so với Trung Quốc. Trung Quốc cũng có đường bờ biển rất dài nhưng có phần mở rộng lãnh thổ vào lục địa rất sâu. Và chính từ vị trí địa lí đó, Việt Nam cần phải cầu thị, tiếp thu những cái bên ngoài để điều chỉnh mình nhanh chóng. Trong khi đó, Trung Quốc có vẻ hướng nội nhiều hơn vì họ có đầy đủ nguồn dự trữ mà họ cần có”, ông Ryder nói.
Từ kinh nghiệm hơn 15 năm tham gia thị trường Việt Nam, ông Ryder nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành Hàn Quốc hay Nhật Bản thứ hai.