Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quý I/2023: Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm hơn 28%
18 | 04 | 2023
Số liệu từ cục Xuất nhập khẩu cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: doanhnghiepvadautu.info.vn

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng cao suốt 10 năm nhưng còn nhiều  thách thức

Ảnh: Sưu tầm

Ước tính, trong tháng 3/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với tháng 3/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022. 

Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu (% theo trị giá). Nguồn: Cục XNK

Cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu (% theo trị giá). Nguồn: Cục XNK

Trong 2 tháng đầu năm 2023, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều có kim ngạch giảm mạnh, trừ mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ. 

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chiếm 56,5% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 11,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. 

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, các mặt hàng chính trong cơ cấu đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đều có trị giá giảm mạnh. Do sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, dăm gỗ và viên nén gỗ là 2 mặt hàng có trị giá xuất khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2023, do nhu cầu tăng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Trung Quốc với việc mở rộng công suất bột giấy tràn lan cùng với việc thiếu sợi gỗ trong nước đã thúc đẩy thương mại dăm gỗ ở Trung Quốc trong 10 năm qua. 

Hàn Quốc với chính sách mở rộng nguồn cung năng lượng tái tạo, quy mô thị trường nhiên liệu sinh học của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng, do đó nhu cầu đối với viên nén gỗ dự báo sẽ tiếp tục tăng. 

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng dăm gỗ và viên nén gỗ có xu hướng tăng mạnh.

“Trên thị trường thế giới hiện nay có xu hướng dùng viên nén gỗ để thay thế nhiên liệu than trong sản xuất nhiệt điện nhằm giảm phát thải khí các-bon, nên nhu cầu sử dụng viên nén trong tương lai sẽ rất lớn”, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ.



Báo cáo phân tích thị trường