Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Tìm tòi, sáng tạo để vượt khó!
18 | 04 | 2023
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu gỗ và lâm sản hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2023 đòi hỏi các doanh nghiệp ngành hàng gỗ cần tiếp tục nắm bắt tốt thông tin thị trường, chủ động, tìm tòi, sáng tạo để có các giải pháp phát huy các thế mạnh, tăng doanh thu.

Nguồn: dangcongsan.vn

Giá trị xuất khẩu giảm mạnh trong quý I/2023

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản luôn đạt 2 con số mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu (chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, da giày, dệt may); xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Italia). Giá trị xuất siêu trung bình từ 8-10 tỷ USD mỗi năm.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỷ USD, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,09 tỷ USD. Giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD. 5 thị trường chính của xuất khẩu gỗ và lâm sản gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên từ Quý I năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản do nhiều nguyên nhân. Đó là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp như: Chi phí logistic tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao...Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp.  Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Hoa Kỳ. Cùng với đó là một số khó khăn trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách trong nước như: Chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp.

Phát huy sự tìm tòi, sáng tạo

Đánh giá của nhiều chuyên gia về thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam trong thời gian tới cho thấy, nhiều tín hiệu cho thấy động lực xuất nhập khẩu của ngành sẽ không có quá nhiều biến động so với Quý 4 của 2022 và các tháng đầu năm 2023. Bối cảnh vĩ mô không xuất hiện nhiều thay đổi, với các yếu tố tác động chính đến cung – cầu tiêu dùng thế giới vẫn đang hiện hữu.

Cụ thể, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên hiện chưa có dấu hiện lạm phát sẽ giảm trong tương lai.

Ngành bất động sản tại các thị trường này đang ở giai đoạn trầm lắng. Trong khi khâu xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này. Hiện chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong 2023.

Cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa, làm giảm cầu tiêu dùng nói chung.

Với các yếu tố vĩ mô như trên, dự kiến các quý tiếp theo của năm 2023 sẽ không có nhiều biến động. Xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường. Bên cạnh đó, các mặt hàng mang tính chất nhạy cảm như tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, các mặt hàng được làm từ gỗ bạch dương nguồn gốc từ Nga sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro bị áp thuế hoặc hàng rào thương mại từ các chính sách trừng phạt tại thị trường xuất khẩu ở các nước phương Tây.

Mức độ ổn định của 3 thị trường Đông Á quan trọng của ngành gỗ Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường khác như Mỹ và EU. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường này tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác.

Nhằm giúp các doanh nghiệp gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Theo Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt. Song song với đó là tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, cụ thể như: Các nước khu vực Trung đông, Nam Mỹ...

Hỗ trợ thành lập các cụm, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ và chế biến lâm sản tại các vùng, địa phương có tiềm năng như: Miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Hỗ trợ thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô để tổ chức các sự kiện, hội chợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến  thương mại các sản phẩm ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực để có thể chủ động giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại. Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistic.

Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước, rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay, thúc đẩy xuất khẩu gỗ, lâm sản trong thời gian tới, ngành gỗ cũng kiến nghị sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như tại: Hà Nội, Đà Nẵng để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm bởi hiện nay, một số các trung tâm kinh tế khác đã có nhưng quy mô rất nhỏ.

Các bộ, ngành hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm. Các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.

Ngành gỗ cũng kiến nghị có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023,...

Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, thực tế, qua hai hội chợ rất lớn của ngành gỗ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đến, chúng ta đã có các đơn hàng từ các thị trường cao cấp như: EU, Nhật Bản,..Tình hình thị trường cũng có những dự báo hết quý II/2023 sẽ bắt đầu hồi phục. Do đó, trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai các giải pháp để tập trung tháo gỡ các khó khăn, khai thông thị trường, tháo gỡ những rào cản về cung cấp nguồn nguyên liệu, vấn đề tài chính...

Thực tế trong giai đoạn hiện nay, không chỉ ngành hàng gỗ và lâm sản gặp khó khăn mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng của lạm phát. Do đó, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ cần có nhiều nỗ lực để tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường, nắm bắt tốt các thông tin từ các thị trường, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh tại các thị trường để đẩy mạnh thêm số lượng đơn hàng, tăng doanh thu. Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng để tạo thêm các mối quan hệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, việc tìm tòi, sản xuất các sản phẩm theo các xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay cũng cần được các doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu để có những sản phẩm vừa hợp túi tiền, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng, thay vì những phân khúc sản phẩm đắt tiền hơn so với trước.

Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Đây là con số không có nhiều biến động so với kết quả đạt được trong năm 2022 với 17,1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2023 với nhiều điều kiện ngày càng khó khăn hơn, để đạt được con số trên không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi ngành hàng gỗ và lâm sản phải có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, vượt khó, luôn luôn đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, để tìm ra được “ánh sáng” trong những lúc “tối tăm”./.

 



Báo cáo phân tích thị trường