Nguồn: kinhtenongthon.vn
Nhiều hệ lụy kéo theo khi vật tư nông nghiệp tăng giá
Thời gian qua, giá các loại phân bón biến động, trong đó, mức tăng cao nhất là NPK, U-rê... Không chỉ phân bón, giá thuốc BVTV cũng tăng từ 50-80% so với các vụ trước. Đây là những mặt hàng đầu vào mang tính thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, tăng giá vật tư nông nghiệp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục “nhảy múa” kéo theo hệ lụy trên thị trường là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng gia tăng.
Theo các chủ đại lý vật tư nông nghiệp, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên và giá cước vận chuyển tăng theo chi phí xăng dầu nên liên tục từ năm 2020 đến năm 2022, giá phân bón tăng mạnh. Có thời điểm một bao phân Urê trọng lượng 50 kg tới tay nông dân có giá gần 1 triệu đồng.
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng ở mức cao "đè nặng" lên vai người nông dân.
Theo chủ một số đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện nay phân Urê có giá từ 500.000-550.000 đồng/bao 50 kg tùy loại. Mức giá này dù đã hạ nhiều so với năm ngoái, tuy nhiên nếu so với thời kỳ giá phân bón ổn định thì vẫn tăng khoảng 150.000-170.000 đồng/bao.
Tương tự, phân lân có giá khoảng 240.000-250.000 đồng/bao 50 kg, tăng 100.000-110.000 đồng/bao so với năm 2019, kali có giá từ 650.000-880.000 đồng/bao tùy loại, tăng từ 220.000-230.000 đồng/bao.
Giá thuốc trừ cỏ trung bình của nhiều nhà sản xuất ở mức 22.000-25.000 đồng/ lọ 100ml, thuốc trừ sâu ở mức 18.000-20.000 đồng/gói từ 3-5 g, tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Nguyễn Quang Mạnh, chủ một đại lý phân bón ở xã Liên Mạc (Thanh Hà – Hải Dương) cho biết: “Hiện nay, đại lý phải thanh toán tiền ngay mới được lấy hàng trong khi lại phải bán nợ cho nhiều nông dân trong thời gian dài, khi giá phân bón cao, nhiều người còn nợ gối vụ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Còn theo ông Trần Thiện Thanh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Trường Phát, Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết, trước đây, trồng cây sầu riêng thu nhập của các thành viên ổn định. Nay do giá phân bón, thuốc BTVT còn ở mức cao khiến cho thu nhập của nông dân giảm theo.
Cụ thể trước đây, phân bón chiếm khoảng 15% chi phí thì nay đã tăng lên tới 25 - 30%, nhiều loại phân bón đã tăng gấp 2 đến 3 lần. Chính giá phân bón tăng cao, buộc người dân đã thay đổi tập quán canh tác, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, giảm chi phí nhưng sản phẩm làm ra chất lượng vẫn đảm bảo.
"Phân thuốc bảo vệ thực vật thì giá leo thang từng ngày, hợp tác xã cũng mong các ban liên ngành mà có liên quan tạo điều kiện hỗ trợ cho hợp tác xã về vấn đề giá cả đầu vào cho hợp tác xã. Cái giá vật tư nông nghiệp bây giờ nó chiếm khoảng 25 - 30% trong đó, chưa kể về vấn đề nhân công" - ông Trần Thiện Thanh nói.
Giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất
Còn ông Thạch Phi Rùm cán bộ ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng đã làm cho nông dân nhất là người trồng lúa gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có lãi. Ông cùng nhiều nông dân trong ấp chuyển sang trồng cây ớt theo mô hình liên kết để có hiệu quả cao hơn.
“Nếu giá phân hiện tại tăng gần gấp đôi (50%). Cây lúa ăn phân nhiều nên bị ảnh hưởng lắm, khổ cho bà con nhiều lắm. Tôi cũng khuyến khích bà con chuyển sang trồng các loại cây màu để có hiệu quả kinh tế cao như: bầu, bí, ớt, dưa leo, khỗ qua… Mùa tới này, tôi hướng dẫn bà con sử dụng ít phân hóa học lại để bớt chi phí, sử dụng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ. Thuốc cũng sử dụng giảm lại, nên sử dụng vi sinh nhiều hơn” - ông Thạch Phi Rùm nói.
Giá phân bón hiện nay tại khu vực ĐBSCL vẫn tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại phân bón thông dụng giá luôn ở mức cao là: phân U RÊ hiện khoảng 740.000 đồng/bao, phân DAP giá 1,4 triệu đồng/bao. Riêng thuốc bảo vệ thực vật tăng ít hơn phân bón nhưng cũng tăng trên 20% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ nông dân gặp khó mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân, thuốc bán ra cũng chậm và khó thu hồi nợ từ khách hàng.
Linh hoạt áp dụng áp dụng đồng bộ các biện pháp
Trước tình trạng phân bón, thuốc BVTV sốt giá, nông dân vùng ĐBSCL đã linh hoạt, áp dụng đồng bộ các biện pháp như: tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật, nhà vườn cần sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học.
Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có sáng kiến khả thi là nuôi gà trên mặt ao, tận dụng phân gà cho cá ăn. Sau đó lấy nước trong ao tưới cây và bùn ở đáy ao bón cho cây. Nhờ vậy, mà vườn bưởi xa danh của ông tươi tốt, không sử dụng phân hóa học.
Ưu điểm mô hình nuôi gà trên ao cá (Ảnh minh hoạ).
“Mô hình này tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học mà nước ngoài đã áp dụng lâu rồi. Vườn này khi phá ra trồng thì tôi đào ao nuôi cá trước, rồi nuôi gà, trồng cây lấy nước tưới. Miếng vườn này trên 2.000 m2 nếu bà con bón phân mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng tôi chỉ mất 2-3 triệu thôi, không sử dụng thuốc trừ sâu. Mô hình này tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công đủ thứ luôn" - ông Nhàn chia sẻ.
Cùng với đó, các giải pháp tiết kiệm phân, thuốc bằng cách thay đổi phương thức canh tác, để giảm chi phí mà giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng vẫn được nông dân áp dụng.
Ông Phan Văn Tiếp nông dân trồng cây ớt thương phẩm tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Phân bón thì mình bón theo tiêu chuẩn, ngày trước mình bón bồi nạp quá, cây ớt không bao giờ ăn hết, hiện nay mình tưới. Nếu mình bón 1 công đất là 1 bao phân còn hiện nay mình tưới 3-4 lần mới hết 1 bao, đủ ăn đến thời gian thu hoạch, giảm được tiền”.
Nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả
Tại các vùng trồng lúa chuyên canh của tỉnh Sóc Trăng, nông dân đang lo lắng vì chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Nếu tính toàn bộ chi phí sản xuất cho 1 vụ lúa lên khoảng 2,5 triệu đồng/công. Đặc biệt, vụ lúa Hè Thu chi phí tăng cao lúa giảm năng suất, nông dân lợi nhuận thấp.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc triển khai thực hiện các giải pháp, mô hình, ứng dụng khoa học, kỹ thuật làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng suất trong sản xuất là hết sức cần thiết trong bối cảnh này.
Sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học.
"Trong năm 2022, Chi cục trồng trọt và BVTV kết hợp với một số địa phương cũng như là thực hiện mô hình để làm sao giảm chi phí cho bà con nông dân từ 1-1,2 triệu đồng/ha trên một vùng. Đây là việc làm mà thời gian qua đã được triển khi rộng rãi đến bà con nông dân ở trên địa bàn tỉnh. Từ giảm phân hóa học cho tới sử dụng phân hữu cơ và giảm thuốc hóa học, sử dụng chế phẩm sinh học đặc biệt là những phân khoáng tự nhiên".
Dù giá nhiên liệu có giảm nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao nên người nông dân trong vùng vẫn còn chịu áp lực nặng do chi phí tăng cao.
Trước thực trạng phân bón tăng giá, các cơ quan chức năng của vùng ĐBSCL đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện gần chục trường hợp kinh doanh phân bón giả, vi phạm nhãn hiệu... Các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính, buộc cam kết không được tái phạm.
Giá phân bón dự kiến giảm 40% trong năm nay
Chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, nhu cầu tiêu thụ phân bón trên toàn cầu sẽ phục hồi trở lại trong năm 2023 sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2021 và 2022. Cụ thể, IFA dự báo nhu cầu phân bón năm nay tăng 195,8 nghìn tấn, tương đương mức tăng 1,5% từ mức thấp trong năm 2022.
Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%, nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước.
Đối với Ure, dự báo của hãng S&P Global cho biết giá phân bón Ure các loại sẽ giao động từ mức 400-430 USD/tấn trong năm nay, giảm 38% so với năm 2022. Mức giá này cũng giảm rất thấp so với giá xấp xỉ 1.000 USD/tấn hồi đầu năm 2022.
S&P Global cũng nhận định giá phân bón Ure có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023 cho đến khi có nhu cầu lớn từ thị trường lớn như Ấn Độ và Brazil bước vào mùa vụ.
Nguồn cung phân bón 2023 tăng nhẹ, giá phân bón dự kiến giảm 40% so với năm 2022
Ngoài ra, Nga áp mức thuế xuất khẩu phân bón mới 23,5% đối với các sản phẩm Ure có giá trên 450 USD/tấn, có hiệu lực từ 01/01/2023 đến 31/12/2023. Do đó, các nhà xuất khẩu Ure của Nga sẽ thiết lập giá sàn thấp (dưới mức giá 450 USD) trong năm 2023 vì thuế xuất khẩu khuyến khích các nhà xuất khẩu Nga bán Ure dưới mức giá này trong suốt cả năm. Với chi phí sản xuất trung bình ước tính khoảng 156 USD/tấn Ure (theo giá FOB) trong 2023, giá phân bón Ure dưới 450 USD vẫn mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà sản xuất phân bón tại Nga.
Đánh giá chung về tình hình phân bón trong năm 2023, chứng khoán Bảo Việt cho rằng người mua vẫn thận trọng và chờ đợi giá phân bón Ure tiếp tục giảm, trong khi người bán lại lo lắng về mức tồn kho cao.
Nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao
Đối với giá phân bón Kali, Ngân hàng Thế giới dự báo giá phân bón Kali trung bình năm 2023 ở mức 500 USD/tấn, giảm 40% so với năm ngoái do nguồn cung phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu. Trong trung hạn, nguồn cung phân bón Kali trong giai đoạn 2022 – 2025 dự kiến phục hồi ở mức thấp do việc chậm trễ trong việc mở rộng công suất ở khu vực Đông Âu, chiếm khoảng 60% trong tổng nguồn cung tăng thêm trong giai đoạn trên.
Đối với giá phân bón DAP, Chứng khoán Bảo Việt cho biết Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có thể gỡ bỏ việc áp đặt hạn ngạch đối với phân lân trong nửa cuối năm nay. Chứng khoán Bảo Việt dẫn ước tính của hãng sản xuất phân bón DAP lớn nhất Hoa Kỳ Mosaic cho biết Trung Quốc sẽ xuất khẩu 4,48 triệu tấn DAP và 1,68 triệu tấn MAP trong năm nay, lần lượt tăng 21,4% và 2,1% sso với năm 2022. Tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP này ước tính chiếm 90% sản lượng xuất khẩu phân lân của Trung Quốc trong năm 2023.
Do đó, giá phân bón DAP năm 2023 được hãng nghiên cứu Fitch Rating ước tính ở mức 550 USD/tấn, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Vẫn đề xuất gỡ vướng Luật Thuế 71 về thuế VAT cho phân bón
Hiện, giá phân bón được đánh giá đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Điều này giúp nông dân tích cực sản xuất trở lại sau quãng thời gian thua lỗ vì giá phân bón tăng phi mã. Tuy nhiên, giá phân bón xuống thấp tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất. Chính vì thế, trong bối cảnh này, để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người nông dân chính là bài toán tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, theo TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cần xem xét và gỡ vướng Luật số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT. Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị vọt lên.
Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên từ 7-8%, điều này khiến người nông dân phải mua giá cao hơn.
|