Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nhà nông đua nhau bỏ mía
26 | 04 | 2013
Chi phí đầu tư tăng cao, giá mía thấp, đầu ra bấp bênh khiến cho người trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long lỗ nặng. Điệp khúc trồng - chặt đối với cây mía ở đây lại tái diễn…

Giá mía giảm, vật tư đua nhau tăng
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau…, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích trồng mía ở các địa phương này đã giảm lên đến hàng nghìn ha. Riêng tại các tỉnh: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, diện tích đã giảm hơn 1.500ha.
Trao đổi với chúng tôi, phần lớn người trồng mía cho rằng, giá mía nguyên liệu sụt giảm liên tục những năm qua lại tỷ lệ nghịch với giá vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) và nhân công; bình quân sau mỗi vụ mía giá nhân công tăng từ 30 – 35% và vật tư nông nghiệp tăng 10 – 15%.
Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: “Với giá mía như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, nhân công, vận chuyển…) từ 75 – 80 triệu đồng/ha, nông dân thu về chỉ được 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian 10 tháng/vụ mía, người trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng; so với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế của cây mía thấp nhất”.
Theo ông Thảo, dự kiến trong niên vụ mía sắp tới (2013 – 2014), diện tích mía ở đây sẽ giảm khoảng 250 – 300ha do người dân chuyển đổi từ các diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng lúa tại các vùng có điều kiện như Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Tập Sơn, Đại An…
Lão nông Trần Văn Lắm, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cho biết: “Niên vụ mía năm rồi, do ảnh hưởng thời tiết bất thường, nên chữ đường đạt thấp, năng suất lại không cao chỉ đạt khoảng 100 - 110 tấn/ha, giá mía chỉ cầm chừng từ 800 – 850 đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, tiền công thuê thu hoạch, vận chuyển so vụ trước đều tăng từ 20 – 30% trở lên khiến người trồng mía không có lời”.
 

Đoạn tuyệt với mía
Gia đình ông Nguyễn Văn Láng, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã chuyển toàn bộ diện tích 6 công mía sang trồng lúa. Ông Láng bộc bạch: “Gia đình tôi đã gần 10 năm gắn bó với cây mía. Thế nhưng, tình hình sản xuất mía những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả rất bấp bênh đã khiến chúng tôi không còn mặn mà với cây trồng này”.
Bên cạnh đó, trước tình hình mía đường đang gặp khó khăn, ngành nông nghiệp nhiều địa phương đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân một số vùng trồng mía không hiệu quả chuyển sang cây trồng khác. Theo kế hoạch, niên vụ mía 2013-2014, huyện Phụng Hiệp xuống giống khoảng 9.000ha, giảm 50ha so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Chủ trương của huyện chỉ giữ lại 5.000ha”.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang Lê Văn Đời cho biết: “Niên vụ mía 2013-2014, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 13.000ha (giảm 1.260ha), định hướng của ngành đến năm 2015 chỉ giữ lại khoảng 10.000ha mía nhằm đảm bảo đủ cung cấp nguồn nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh”


Theo Đức Khánh
Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường