Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều tiềm năng phát triển ngành hàng cây ăn trái vùng ĐBSCL
17 | 07 | 2023
Những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái tại các địa phương vùng ÐBSCL và cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu nông sản và tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Nhờ đó nông dân nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu. Sản xuất thuận lợi và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn rộng mở, nước ta có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành hàng cây ăn trái.

Nguồn: Baocantho.com.vn

Sầu riêng được trồng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Diện tích trồng cây ăn trái tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã liên tục tăng mạnh trong những năm qua và góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân trên cùng diện tích. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cây ăn trái được chú trọng và phát triển theo hướng xuất khẩu, trở thành loại cây chủ lực của thành phố. Nếu năm 2018 thành phố có 18.291ha trồng cây ăn trái thì đến năm 2019 được nâng lên 20.125ha, năm 2020 đạt 21.623ha, năm 2021 đạt 23.416ha và đến cuối năm 2022 là 24.589ha, với sản lượng thu hoạch 194.507 tấn. Hiện diện tích trồng cây ăn trái tiếp tục tăng và theo kế hoạch sẽ đạt 25.000ha trong năm nay, với sản lượng 195.250 tấn. Ðến năm 2050, diện tích trồng cây trái tại thành phố dự kiến tăng thêm khoảng 13.163ha, lên ở mức 38.163ha. Cây ăn trái được trồng tại thành phố khá đa dạng về chủng loại, với nhiều loại trái ngon, đặc sản, trong đó hiện có hơn 2.965ha sầu riêng. Ðây là một trong những sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, có thể cho lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm.

Tại tỉnh Hậu Giang, hiện đã có hơn 45.528ha cây ăn trái, tăng 2.178ha so với cùng kỳ năm 2022. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, qua đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh, cho thấy trong năm 2022 giá thành sản xuất của nhiều loại cây ăn trái như mít, cam, chanh, quýt, nhãn, xoài, mãng cầu... đều tăng nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận do giá bán cao hơn cùng kỳ hoặc năng suất năng do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Lợi nhuận bình quân đạt từ 54-184 triệu/ha tùy theo loại cây ăn trái.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã có diện tích trồng cây ăn trái khá lớn, lên đến hàng chục nghìn héc-ta. Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất, với hơn 82.322ha. Tỉnh Vĩnh Long có hơn 55.690ha trồng cây ăn trái, Ðồng Tháp có trên 40.919ha, Bến Tre khoảng 25.478ha, An Giang 19.295ha, Trà Vinh 18.400ha... Những năm gần đây, diện tích cây ăn trái trồng mới tại nhiều địa phương đã liên tục tăng, đặc biệt là với các loại cây có điều kiện xuất khẩu tốt như mít, sầu riêng, thanh long, xoài, chuối, bưởi... Theo Bộ NN&PTNT, hiện diện tích trồng cây ăn trái của cả nước đạt hơn 1,22 triệu héc-ta, trong đó các tỉnh, thành phía Nam chiếm hơn 60% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước. Sản lượng nhiều loại cây ăn trái chủ lực đã tăng khá mạnh so với năm trước. Cụ thể, xoài tăng 616.000 tấn, cam tăng 514.400 tấn, sầu riêng tăng hơn 367.000 tấn, chôm chôm tăng 188.900 tấn, vải tăng 178.300 tấn...

Với diện tích trồng cây ăn trái đạt hơn 1,22 triệu héc-ta, nước ta có tổng sản lượng trái cây hàng năm đạt hơn 13,5 triệu tấn đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo ra một lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đã bắt đầu vượt mốc 1 tỉ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây đã vượt mức 3 tỉ USD/năm. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt gần 2,75 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Với nhiều tiềm năng trong phát triển xuất khẩu và những cách thức hiệu quả mà chúng ta đang làm, hy vọng trong cả năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức 5 tỉ USD. Có thể nói, cây ăn trái đã trở thành một ngành kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người dân. Nhiều người dân cũng có thể làm giàu thông qua việc sản xuất kinh doanh cây ăn trái.

Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều loại nông thủy sản đang có xu hướng bị giảm do nhu cầu thị trường thế giới giảm, xuất khẩu rau quả có sự tăng trưởng mạnh được xem là điểm sáng của ngành Nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng năm 2023 đạt 24,59 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính 12,79 tỉ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản 4,13 tỉ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỉ USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ... Ðóng góp nhiều vào kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng qua là 7 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD gồm rau quả, gạo, cà phê, cao su, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ.

Ðể phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững ngành hàng cây ăn trái, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, tới đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng và sản xuất cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Quan tâm quản lý chất lượng cây giống và các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Khuyến cáo nông dân trồng các loại cây ăn trái tùy loại theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp, không trồng những loại cây tại những vùng điều kiện thích nghi không đảm bảo, đặc biệt là đối với cây sầu riêng...

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cần tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành và đơn vị có liên quan để thúc đẩy chương trình phát triển cây ăn trái, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp cho từng tiểu vùng. Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi vườn kém hiệu quả thành vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển giao giống cây ăn trái mới cho sản xuất, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ngành hàng bền vững. Tới đây, Viện cũng tiếp tục quan tâm phối hợp các bên liên quan thực hiện các chương trình lai tạo giống mới phục vụ nhu cầu đa dạng thị trường, cũng như tạo giống thích ứng biến đổi khí hậu và chống chịu tốt với sâu bệnh. Chú ý tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...



https://baocantho.com.vn/nhieu-tiem-nang-phat-trien-nganh-hang-cay-an-trai-vung-dbscl-a161971.html
Báo cáo phân tích thị trường