Nguồn: danviet.vn
Những năm gần đây tại Việt Nam, có nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, có không ít người từ chối cơ hội tốt ở nước ngoài, quay về quê hương làm nông dân. Và cũng từ đây, câu chuyện về nguồn nhân lực trẻ của ngành nông nghiệp Việt Nam đang dần rõ hơn.
Đang tồn tại một thị trường thực sự cho người sản xuất nông nghiệp
Anh Đặng Dương Minh Hoàng (1988) đang là chủ trang trại Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), đồng thời cũng là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Năm 2022, anh được tuyên dương là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Hiện anh đang là Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc - một mạng lưới kết nối, đồng hành, hỗ trợ, lan tỏa và phát huy tinh thần khởi nghiệp thanh niên nông thôn tiêu biểu làm kinh tế giỏi.
Sau gần 10 năm rời Pháp về Việt Nam làm nông nghiệp, đến nay anh Hoàng đã có những thành công nhất định.
Trang trại Thiên Nông của anh có tổng cộng 50ha, trong đó 30ha trồng cao su, 8ha tiêu và 12ha bơ - thương hiệu bơ Ông Hoàng. Tất cả cây trồng trong vườn anh Hoàng đều có thể theo dõi từ xa, nhờ áp dụng công nghệ IoT (Internet of thing) vào cây trồng. Anh Hoàng thường xuyên được mời làm diễn giả tại các hội thảo về chủ đề khởi nghiệp trong nông nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao…
Lý giải về lý do ngày càng có nhiều bạn trẻ du học ở nước ngoài, nhưng lại quay về nước khởi nghiệp với nghề nông, anh Hoàng cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam trước đến nay phần lớn chú trọng về lượng mà chưa chú trọng về chất. Các sản phẩm nông nghiệp thiếu những thương hiệu quốc gia, chưa canh tác theo chuẩn quốc tế, các sản phẩm đầu ra chưa đồng đều.
Các bạn trẻ khi được học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp thu được những kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến việc phát triển nông nghiệp một cách bền vững, gắn với việc xây dựng thương hiệu.
Vì vậy, các bạn ấy có thể ứng dụng các kiến thức về khoa học - kỹ thuật và kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới, đã được học ở nước ngoài.
"Việc trở về Việt Nam và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng nhau phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam dường như đã trở thành một sứ mệnh thôi thúc hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ”, anh Hoàng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM), cho rằng đang tồn tại một thị trường thực sự cho những giải pháp, sản phẩm có giá trị để giúp cho những người sản xuất nông nghiệp giải quyết được “nỗi đau” của họ.
"Bất cứ doanh nghiệp nào có thể tiên phong trong việc tạo ra giải pháp để giải quyết các hạn chế, sẽ chiếm lĩnh được thị trường rất lớn. Tôi cho rằng, những người trẻ đã được đào tạo, hoặc làm việc ở những quốc gia phát triển có thể đã “bắt mạch” được các vấn đề này. Và điều đó đã góp phần để họ lựa chọn việc thử sức các dự án kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam”, TS Đỗ Xuân Hồng khẳng định.
Nông dân trẻ và chuyến tàu chuyển đổi số không thể lỡ
Thế nhưng, việc người trẻ quay về quê hương làm nông dân không phải chuyện dễ dàng. Bởi từ trong chính bản thân ngành nông nghiệp nước ta đã có những hạn chế cố hữu.
Với vai trò là giám đốc một HTX nông nghiệp, anh Đặng Dương Minh Hoàng nhìn nhận: “Trên thực tế, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là một lực cản lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Do đó, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp nước ta”.
Anh Hoàng cho biết thêm, các bạn trẻ là những người nhạy bén trong việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị thông minh. Họ có thể trở thành người sáng tạo nội dung trên nền tảng số trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn, ứng dụng các thiết bị thông minh vào sản xuất nông nghiệp. Đây là lợi thế lớn nhất của thế hệ này để có thể bắt kịp xu hướng phát triển hiện tại của xã hội.
Với góc nhìn của một người chuyên định hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ, TS Đỗ Xuân Hồng nhận định, người trẻ khi quay về Việt Nam làm việc sẽ có lợi thế am hiểu về văn hóa của thị trường; nhận được nhiều sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ các mối quan hệ xã hội có sẵn của bản thân hoặc gia đình.
“Ngược lại, họ cũng cần phải có đủ bản lĩnh để vượt qua những thách thức khác, như sự chậm chạp trong chuyển đổi số (so với các nền kinh tế lớn - PV) trong xã hội nói chung; hoặc sự non trẻ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta.
Những nền tảng quan trọng của kinh tế tri thức vẫn chưa được hoàn thiện, như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được quan tâm; nhiều cá nhân, tổ chức còn gặp lúng túng khi định giá tài sản trí tuệ”, TS Hồng cho biết thêm.
Với thực trạng thiếu nhân lực trẻ cho ngành nông nghiệp nước nhà hiện nay, việc các bạn trẻ chọn khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là tín hiệu rất khả quan. Đặc biệt trong đó phải nói đến những bạn mang kiến thức học được từ các nước tiên tiến, về cống hiến cho quê hương.
“Thực sự với nông nghiệp chuyển đổi số là 'chuyến tàu không thể lỡ'. Muốn tiết giảm chi phí; giảm bớt các khâu trung gian; minh bạch lý lịch sản phẩm; minh bạch quá trình sản xuất; người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… chuyển đổi số là con đường tất yếu. Người trẻ về quê làm nông nghiệp, nếu kiên định với con đường chuyển đổi số thì chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công, cả về mặt kinh tế và nhân hiệu một các bền vững, mà không bị lụi tàn”, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc nhấn mạnh.
Đào tạo nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê, phải tạo ra những người làm chủ
TS Đỗ Xuân Hồng đánh giá cao việc các bạn trẻ trong và ngoài nước có đam mê với ngành nông nghiệp nước nhà. Thế nhưng ông cũng cho biết, một thực tế đáng buồn là người trẻ hiện giờ thực sự rất ít quan tâm đến việc theo học các ngành nông nghiệp truyền thống.
“Lấy ví dụ từ số liệu thống kê của Bộ NNPTNT ta sẽ hiểu rõ hơn việc này. Giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Chính vì thế, bất cứ chỉ dẫn nào cho thấy người trẻ đang có mối quan tâm nhiều hơn đến các ngành sản xuất nông nghiệp đều là những tín hiệu đáng mừng, và cần được quan tâm, bởi các ban ngành chức năng để có hướng thúc đẩy”, TS Đỗ Xuân Hồng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp, mà còn phải tạo ra những người làm chủ.
Ông Hoan cho rằng, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, chính là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Cho nên khởi nghiệp nông nghiệp trong các trường học cũng không nên làm theo phong trào. Khởi nghiệp không nên là sân chơi mà phải là làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật.
Những người trẻ từ chối cơ hội thăng tiến để về quê làm nông nghiệp, có người đã thành công, có người bước đầu thành công, và có người chưa thành công. Thế nhưng, xu hướng này đang tạo ra một dấu hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ khoa học - kỹ thuật hiện đại, những tấm gương nông dân trẻ sẽ là “ngọn đuốc tiên phong” cho một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên sâu và bền vững.
Thông tin tại Hội nghị đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam, diễn ra ngày 4/8 tại TP.HCM, cho thấy lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua.
Trong giai đoạn 2011-2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người (năm 2011) còn 778.000 (năm 2020).
Mỗi năm giảm trung bình 46.700 người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm).