Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sầu riêng phát triển bền vững: Doanh nghiệp và nông cần cần "bắt tay"
14 | 09 | 2023

Nguồn: 24hmoney.vn

Để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững, hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho rằng vấn đề hợp tác là cực kỳ quan trọng.

Xuất khẩu sầu riêng thu tỷ đô... doanh nghiệp vẫn than lỗ

Thông tin từ Hiệp Hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2016 đến 2022, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 112,2 nghìn ha (tăng 17,6%/năm, 10 nghìn ha/năm). Tổng sản lượng hiện nay là hơn 863 nghìn tấn. Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và đến 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gấp gần 3 lần so với cả năm 2022). Dự kiến xuất khẩu sầu riêng cả năm nay đạt 1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm 2022.

Tại tỉnh Đắk Lắk, đến 6/2023, diện tích sầu riêng của tỉnh khoảng 28.625,2 ha (tăng 6.167,2 ha). Năng suất sầu riêng tăng nhẹ trong giai đoạn 2016 - 2023 từ 192,4 tạ/ha lên 195,4 tạ/ha, tốc độ tăng trưởng đạt 0,7%/năm. Sản lượng sầu riêng tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016 – 2023, từ 30,6 ngàn tấn lên ước đạt 190,2 ngàn tấn, tăng 146,4 ngàn tấn (20,9 ngàn tấn /năm), tăng gấp hơn 4,3 lần sản lượng sầu riêng năm 2016. Tốc độ tăng trưởng 29,9%/năm. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.

 
Sầu riêng phát triển bền vững: Doanh nghiệp và nông cần cần

Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.

Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Lê Anh Trung – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa cho hay: “Vào tháng 7/2022, chúng tôi có xây dựng chính sách liên kết với người nông dân, các hợp tác xã trên địa bàn cả nước. Chúng tôi có hỗ trợ thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng cũng hỗ trợ vốn sản xuất 50 triệu/ha... Trong hợp đồng, chúng tôi đã làm rất rõ là chúng tôi sẽ đánh giá tỉ lệ và chốt vườn cho người nông dân trước thu hoạch từ 15-20 ngày. Thế nhưng, trước thời điểm thu hoạch khoảng 1,5-2 tháng, hơn 90% người nông dân bán hết ra ngoài, chỉ có những vườn cực kỳ xấu, bên ngoài không mua thì mới gọi đến công ty. Điều này khiến các doanh nghiệp như chúng tôi đối diện với thất bại, phải đi thu hồi lại những đồng tiền bỏ ra mà không được gì cả”.

Sầu riêng phát triển bền vững: Doanh nghiệp và nông cần cần

Ông Lê Anh Trung – Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa nói về những khó khăn của doanh nghiệp trước tình trạng bẻ cọc, bỏ hợp đồng mua bán sầu riêng.

Ông Lê Anh Trung nói thêm, trước vụ thu hoạch khoảng 2 tháng, một số cá nhân, doanh nghiệp chốt giá rất cao với nhà vườn (80-90.000 đồng/kg) tại vườn, chưa có công cắt, chưa vận chuyển về kho, chưa có phân loại. Điều này khiến thị trường bị nhiễu loạn. Bây giờ, sầu riêng hạng A tại kho là 80-82.000 đồng/kg, nên việc bị lỗ cả tỷ đồng trong một nốt nhạc là điều đương nhiên. Để tránh tình trạng này, theo ông Trung các doanh nghiệp cần phải liên kết, có tiếng nói chung để hạn chế những thất bại, cùng giúp nhau phát triển, bảo vệ ngành hàng sầu riêng.

Nguy cơ mất uy tín chất lượng thương hiệunhãn hiệu sản phẩm

Ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk thông tin, theo phản ánh của các đơn vị thu mua và người dân, việc mua bán sầu riêng giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã thời gian qua theo một số hình thức. Cụ thể, một số doanh nghiệp đặt cọc mua sầu riêng với người dân cách thời điểm thu hoạch 2 đến 3 tháng bằng ký hợp đồng mua bán theo quy cách và hợp đồng bán xô. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng ước tại vườn.

Bên cạnh đó, sau khi được phê duyệt mã số vùng trồng, một số hộ trong vùng trồng đã tự chốt giá với các doanh nghiệp khác ngay tại thời điểm cây sầu riêng bắt đầu ra hoa... Nguyên nhân là do một số hộ dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... chăm sóc cho vườn cây.

Ngoài ra, thời gian qua, một số đối tượng môi giới vào tận vườn người dân chốt giá rất cao, từ 80-90.000 đồng/kg, mục đích gây nhiễu loạn thị trường.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay không còn các hiện tượng trên. Hiện các doanh nghiệp mua sầu riêng với giá từ 65-75.000 đồng/kg.

Sầu riêng phát triển bền vững: Doanh nghiệp và nông cần cần

Diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk khoảng 28.625,2 ha.

Là địa phương có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay, ông Y Djoang Niê – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk thông tin, giá thu mua sầu riêng năm 2023 tăng mạnh so với năm trước, người trồng sầu riêng có thêm nhiều sự lựa chọn để bán được giá hợp lý và lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, đi kèm về những lợi thế tốt cũng kèm theo những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu,… Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắk đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk đề nghị, người dân cần nâng cao nhận thức về các quy định an toàn chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình sản xuất an toàn, không bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giữ gìn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm sầu riêng. Đối với các cơ sở kinh doanh sầu riêng, thực hiện tốt công tác hợp tác chặt chẽ giữa các hộ dân trồng sầu riêng và các đơn vị cơ sở kinh doanh đảm bảo thực hiện tốt liên kết sản xuất – thu mua – sơ chế - đóng gói tiêu thụ xuất khẩu sầu riêng theo đúng quy định về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắk...

Sầu riêng phát triển bền vững: Doanh nghiệp và nông cần cần

Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững, hiệu quả thì vấn đề hợp tác là cực kỳ quan trọng.

Liên quan đến vấn đề liên kết thiếu bền vững do trình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá..., thậm chí không quan tâm đến mã vùng trồng trong quá trình mua bán sầu riêng, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, một ngành hàng đang tăng trưởng “nóng” thì bên cạnh những thuận lợi thì sẽ phát sinh các hệ lụy, tồn tại, thậm chí tiêu cực. Đây là việc mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc quyết liệt, rà soát lại ở tất cả các khâu để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định hoặc mạo danh, gian dối trong các khâu.

Để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững, hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề hợp tác là cực kỳ quan trọng. Trong quan hệ hợp tác, cả doanh nghiệp và nông dân phải tạo dựng thương hiệu chung, uy tín chung cho ngành hàng, sau đó mới nói đến lợi ích của mình. Phải có sự đồng hành trong một quy trình từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời, phải cùng nhau chia sẻ lợi ích kể cả khi lãi hay rủi ro. “Nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm sao để mình thu lợi nhất thì chắc chắn sẽ mang lại rủi ro cao, cạnh trạnh không lành mạnh sẽ rất lớn và không tạo dựng được ngành hàng bền vững, hiệu quả”, ông Dương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc.

Theo bà Hương, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh sẽ dễ bị thất bại hoặc phá sản. Đồng thời, sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình.

Thời gian tới, bà Hương mong muốn Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương… Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động; bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…

Về phía Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.



Báo cáo phân tích thị trường