Đến thời điểm hiện nay việc xây dựng “tiêu chuẩn quốc tế” để trái cây VN có thể đàng hoàng xâm nhập các thị trường lớn của thế giới chỉ là mới bắt đầu...
Câu chuyện của nhãn và sầu riêng
Đã qua mùa thu hoạch rộ nhưng khi đến cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy nhà nào cũng chất đầy sầu riêng. Dọc đường ngang qua xã Long Tiên, người dân còn bày bán sầu riêng tràn ra mặt đường.
Anh Bùi Văn Sích ở ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp kể vào trước năm 2000, khu vực nhà anh còn là đất ruộng, hồi đó anh đã lên liếp để trồng sầu riêng khổ qua theo... phong trào. Lấy ngắn nuôi dài, anh trồng nhãn xen giữa vườn sầu riêng. Thời gian đầu nhãn bán được 23.000 đồng/kg rồi sau đó cứ tụt dần xuống còn 15.000, 10.000 rồi 8.000 đồng/kg... Thậm chí có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg. Thế là mọi người hè nhau đốn bỏ cây nhãn, bây giờ giá nhãn có chiều hướng nhích lên, thương lái tới vườn mua trở lại.
Sầu riêng mỗi năm chỉ cho trái một lần, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa theo ý muốn nên tháng nào cũng có sầu riêng và không tập trung thu hoạch rộ, giá không bị rớt quá thấp. Hiện nay, sầu riêng khổ qua bán tại vườn chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 15.000 đồng/kg. Giá như vậy là thấp so với những năm trước nhưng theo anh Sích thì vẫn còn lời. Như năm rồi khi thu hoạch rộ thì giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Chúng tôi hỏi sầu riêng Ri6 giá cao gấp đôi tại sao không trồng Ri6? Anh Sích nói hồi đó thấy phong trào trồng sầu riêng khổ qua phát triển mạnh nên ai cũng bắt chước trồng theo.
TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy, nhận xét: “Tình trạng giá trái cây cứ bấp bênh là do quy luật cung cầu. Nhưng vấn đề làm trầm trọng thêm là do hệ thống phân phối của mình dở quá. Ngay ở thị trường nội địa nhưng sự liên kết giữa các vùng miền không có. Vì vậy mà vào mùa thu hoạch rộ, trong khi trái cây ở địa phương ế ẩm, bán không được thì ở những vùng khác lại không có”. Theo ông Hải, nhất thiết phải có nhạc trưởng cấp vùng, cấp bộ, để phân bổ sản lượng bao nhiêu, loại gì, vùng nào, trong đó nhu cầu nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu và các địa phương sẽ sản xuất theo nhu cầu đó. Chứ tình trạng mạnh ai nấy làm, không có sự điều hành, phối hợp sẽ khó tránh được cảnh ế ẩm, rớt giá và nông dân khổ.
Quanh quẩn ở sân nhà
| Nhất thiết phải có nhạc trưởng cấp vùng, cấp bộ, để phân bổ sản lượng bao nhiêu, loại gì, vùng nào, trong đó nhu cầu nội địa bao nhiêu, xuất khẩu bao nhiêu. Tình trạng mạnh ai nấy làm sẽ khó tránh được cảnh ế ấm, rớt giá và nông dân khổ
|
| TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy, Tiền Giang |
Theo Hiệp hội Rau quả VN, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 407 triệu USD, tăng 33% so với năm trước và là con số cao nhất trong 5 năm qua. Nhưng theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, con số đó chưa phản ánh đầy đủ lượng trái cây xuất khẩu của cả nước. Hơn nữa, trong 407 triệu USD đó thì bao nhiêu là rau, bao nhiêu là quả? Và trong quả, dứa, nhãn, vải thiều, thanh long... mỗi thứ là bao nhiêu? Đây là điều các nhà khoa học rất cần nhưng không thể nào biết được.
Ông Châu phân tích, ví dụ như đang xuất 20 triệu USD từ thanh long, nếu bỗng dưng tụt xuống còn 10 triệu USD thì phải tìm hiểu lý do để kịp thời điều chỉnh. Ngược lại, nếu lượng xuất khẩu tăng thì phải điều chỉnh tăng diện tích. Cũng từ con số chính xác đó, các nhà khoa học sẽ xác định cần tập trung cho cây nào. Chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng tới giờ vẫn không có số liệu thống kê cụ thể, dù đã kiến nghị rất nhiều lần. Vấn đề thứ hai là giá vận chuyển hàng không của VN hiện cao hơn Thái Lan cũng góp phần đẩy giá trái cây của VN lên cao và khó cạnh tranh. Nhưng tồn tại lớn nhất là không có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, mặc dù người nông dân đã được giải thích nhiều về sản xuất hàng hóa theo cùng quy trình. Làm sao có xuất xứ, có logo chung được khi mà hàng triệu hộ nông dân cứ mạnh ai nấy làm.
Ông Châu nói: “Nếu anh cứ trồng cây sạch bên cạnh cây bệnh thì bị lây nhiễm là điều tất nhiên. Anh cứ bắt người... ho lao và người khỏe mạnh nằm chung thì người khỏe mạnh rồi cũng sẽ ho lao thôi”.