Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch
13 | 11 | 2023
Hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt hơn 4,9 tỷ USD, có cơ hội về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.

Nguồn: Vnbusiness.vn

Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hết tháng 10 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đã đạt 4,9 tỷ USD và nếu cứ giữ đà như hiện tại, kết thúc 2 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả của sẽ về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đã đề ra.

Đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu rau quả năm nay là sầu riêng với tỷ trọng chiếm gần một nửa kim ngạch. Từ 420 triệu USD vào năm ngoái, Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo hết năm nay mặt hàng này sẽ có kim ngạch xuất khẩu cán mốc 2,4 - 2,5 tỷ USD.

Lý giải về sức tăng mạnh mẽ này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bứt phá ngoạn mục. Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép, đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này".

-8938-1699327923.jpg

"Trái cây vua" chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta.

Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam mức kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64% thị phần, tiếp theo là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có sự tăng tương đối với mức lần lượt là 50%, 18% và 6%. Trong top 5 các nước nhập khẩu rau củ quả từ nước ta chỉ có Mỹ có mức giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái

Ngoài các loại rau và đặc biệt là quả tươi như sầu riêng, mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu,... nhóm sản phẩm rau quả chế biến cũng tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 20% vào các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy vậy, sản lượng nhóm này mới chỉ chiếm khoảng 12 - 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước, là hướng đi mới quan trọng, đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể chú ý và khai thác.

Dự báo về tình hình xuất khẩu vào cuối năm nay, ông Nguyên cho biết: “Qua thống kê quý 4/2023, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây chủ lực các loại được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6-0,8 tỷ USD.” Dự báo doanh thu xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể đạt 5,5 – 5,8 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả nhận định, dù tình hình xuất khẩu đã và đang ghi nhận những điểm tích cực; cảnh báo vi phạm kiểm dịch thực vật tại các thị trường chủ lực khó tính dần được nới lỏng thì các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu.

2 tháng cuối năm, các ngành hàng, doanh nghiệp đang dồn sức tăng tốc để đạt mục tiêu. Giữa tình hình tiêu dùng ảm đạm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì việc kim ngạch xuất khẩu rau quả về đích sớm, đạt kết quả cao, phá kỷ lục chính là một điểm sáng, tạo hy vọng và động lực cho toàn thị trường.

Bích Tâm



Báo cáo phân tích thị trường