Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu rau quả hiện tại, và kế hoạch trong tương lai?
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt khoảng 500 triệu USD. Kế hoạch đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả các loại phấn đấu đạt 760 triệu USD/năm, trong đó: rau 295 triệu USD; hoa 60 triệu USD; quả 295 triệu USD; hồ tiêu 250 triệu USD. Nhu cầu rau quả cần cho xuất khẩu rất lớn, tổng kim ngạch trao đổi rau quả trên toàn thế giới ước đạt 100 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều thế mạnh: khí hậu đa dạng (nhiệt đới, ôn đới), lao động nhiều. Sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam còn quá thấp so với nhu cầu nhập khẩu của các nước.
Nguyên nhân bởi sản xuất rau quả ở nước ta còn manh mún, thiếu tập trung, phương thức canh tác lạc hậu, phần lớn chưa đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì sử dụng phân bón thuốc trừ sâu tuỳ tiện.
Thời cơ hết sức rộng mở, nhưng thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi chất lượng đảm bảo, khâu thu mua chế biến kịp thời, giao hàng nhanh, số lượng lớn...
Quốc gia nào là thị trường tiềm năng cho rau quả xuất khẩu của nước ta, và quốc gia nào là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam trong loại sản phẩm này?
Trung Quốc sẽ là thị trường chủ lực cho rau quả Việt Nam, nhu cầu của họ rất lớn. Nhưng biến tiềm năng thành hiện thực không đơn giản. Mặc dù xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc luôn sôi động, nhưng rau quả của Việt Nam luôn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc, ta chỉ ngại Thái Lan. Xuất khẩu rau quả của họ đang có nhiều ưu việt so với nước ta: số lượng dồi dào hơn, chất lượng đảm bảo hơn, độ đồng đều lớn, đồng thời họ luôn tuân thủ những cam kết thương trường, giao hàng đúng hẹn.
Tuy nhiên họ ở xa Trung Quốc hơn, bất lợi hơn chúng ta ở khâu vận chuyển sản phẩm. Vì vậy trong tương lai, nếu ta có chiến lược đúng đắn, sẽ vượt qua Thái Lan về sản lượng xuất khẩu rau quả.
Những loại rau quả nào đang thiếu hụt sản lượng so với nhu cầu xuất khẩu?
Rất nhiều loại rau quả sản lượng cung không đủ cầu như: tiêu, đậu đũa, măng, nấm, cây ăn trái nhiệt đới... Năm nay tiêu tăng giá, nhưng sản lượng tiêu của nước ta lại thiếu hụt. Chúng ta đang chi phối thị trường tiêu thế giới, có quyền quyết định giá tiêu xuất khẩu.
Riêng đậu đũa, phía Trung Quốc cho hay: sản lượng bán bao nhiêu, họ cũng nhập tất. Việt Nam chưa có vùng chuyên canh đậu đũa quy mô để đáp ứng nhu cầu của họ.
Nấm là nguồn rau bổ dưỡng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì không ai phun thuốc trừ sâu vào nấm. Dự kiến trong 3-5 năm tới, nếu nước ta đủ sản lượng nấm cung ứng cho phía Trung Quốc, sẽ đem lại kim ngạch mặt hàng này là 200-300 triệu USD.
Hiện nay sản lượng nấm đang thiếu trầm trọng. Một nhà máy chế biến nấm xuất khẩu ở Hải Dương do Đài Loan đầu tư, nhưng nguồn nguyên liệu chỉ đủ cho nhà máy này hoạt động 1 tháng/năm. Ba nhà máy chế biến nấm xuất khẩu ở miền Nam cũng phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Tôi vô cùng “xót ruột” khi thấy nông dân thu hoạch lúa xong lại đốt hết rơm, khiến đồng quê ngày mùa khói mù mịt. Nếu rơm để lại trồng nấm, sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Trồng nấm rất dễ, từ trẻ con cho đến người già đều làm được. Cục trồng trọt đang khuyến cáo, động viên bà con nông dân tăng gia sản xuất nấm, tập trung vào vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.
Cục Trồng trọt có những kế hoạch nào nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau quả, thưa ông?
Ngày 31/7/2007, Cục Trồng trọt tổ chức hội nghị tại tỉnh Tiền Giang, để phổ biến kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-BNN về phê duyệt chương trình phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2010: cây ăn quả đạt diện tích 1 triệu ha, sản lượng 10 triệu tấn; rau đạt diện tích 700 ngàn ha, sản lượng 14 triệu tấn; hoa cây cảnh đạt diện tích 15 ngàn ha, sản lượng 6,3 tỷ cành; hồ tiêu đạt diện tích 50 ngàn ha, sản lượng 120 ngàn tấn.
Để đạt được các mục tiêu của quy hoạch, Cục Trồng trọt xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung trọng tâm: kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình các cấp (Trung ương và địa phương), quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất tập trung, lập các dự án đầu tư trọng điểm.
Nhiều lĩnh vực ưu tiên xây dựng các dự án đầu tư: phát triển hạ tầng (thuỷ lợi, giao thông) tại các vùng chuyên canh; chọn tạo và nhân giống rau quả chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau an toàn; xây dựng cơ sở bảo quản chế biến rau quả; xúc tiến thương mại đối với sản phẩm rau quả (xuất xứ địa lý, nhãn hiệu hàng hoá, triển lãm, xây dựng văn phòng đại diện và giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài...).
Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: nghiên cứu nhập nội, chọn lọc nhân nhanh giống tốt; áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến; phổ cập kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng phân bón cân đối và hợp lý...
Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Sử dụng ngân sách địa phương vào công tác điều tra quy hoạch vùng sản xuất rau quả an toàn. Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác khuyến nông.