Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông lâm thủy sản khởi sắc ngay đầu năm mới
20 | 02 | 2024
Những đơn hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản được nối tiếp, hoạt động sôi động tại các cửa khẩu ngay sau Tết Nguyên đán, báo hiệu một năm nhiều thuận lợi…

Nguồn: congthuong.vn

Sẵn sàng cho những đơn hàng lớn

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu gạo "mở hàng" cho năm mới.

Xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo đón tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm mới

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – thông tin, chúng tôi vừa giao xong lô gạo thơm đi EU, công ty lại có đơn hàng xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á mà ở đây là Malaysia. Do đó, ngay sau Tết âm lịch, hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo tại doanh nghiệp diễn ra rất sôi động.

Cụ thể, trong ngày 17/2 (tức ngày mùng 8 Tết), doanh nghiệp phải đóng 30 container, đến ngày 19/2 (tức ngày mùng 10 Tết) chúng tôi đóng tiếp 20 container nữa là đủ hơn 1.000 tấn cho Malaysia.

Tương tự, theo một doanh nghiệp cho biết, năm 2024, khách hàng từ các thị trường truyền thống vẫn duy trì và thậm chí tăng đơn hàng so với năm cũ. Tính đến nay, doanh nghiệp đã lấp đầy đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh mặt hàng gạo là mặt hàng sầu riêng. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh năm 2024 sẽ tăng thêm 30%. Các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi... cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm mới để lên đường đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo sang khối thị trường EU đạt gần 104.000 tấn gạo (cao hơn con số hạn ngạch là 80.000 tấn/năm) với giá trị thu về 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA.

Hiện 1 tấn gạo hữu cơ như thế này khi xuất khẩu vào châu Âu có giá hơn 1.500 USD/tấn. Không chỉ bán giá cao, mà hạt gạo Việt Nam còn định vị được thị trường khi chủ động quyết định bán cho ai và bán với mức giá nào.

Trên cửa khẩu đường bộ, hoạt động xuất nhập khẩu cũng diễn ra rất sôi động ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), trong sáng 18/2, đã có 95 phương tiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cầu phao Km3+4 Hải Yên (phường Hải Yên, TP. Móng Cái). Theo đó, hơn 900 tấn nông sản đã xuất khẩu sang thị trường tỉ dân, giá trị ước đạt 3,7 triệu USD.

Bà Trần Bích Ngọc - Trưởng ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - cho biết, để việc xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thuận lợi đầu năm, lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, tích cực hướng dẫn doanh nghiệp, xử lý các thủ tục tờ khai đúng quy trình.

Các lực lượng chức năng tại cầu phao Km3+4 Hải Yên đã bố trí cán bộ làm việc, đảm bảo sẵn sàng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông suốt. Không chỉ làm thủ tục cho các lô hàng đã được doanh nghiệp đăng ký trước, những lô hàng, nhất là hàng hoa quả tươi chưa đăng ký, cơ quan hải quan vẫn sẵn sàng làm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hàng hóa được thông quan nhanh nhất.

Còn theo ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), ngày 18/2, việc thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu trên địa bàn trở lại bình thường sau dịp nghỉ Tết Giáp Thìn. Trước đó, từ ngày 14 - 17/2, đã có các xe hàng xuất nhập khẩu qua khu vực các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh nếu đăng ký trước.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tại các cửa khẩu, có khoảng 800 xe nhập khẩu/ngày và khoảng 400-500 xe xuất khẩu/ngày. Số xe tồn nằm tại các bãi chỉ khoảng 200 xe. Không xuất hiện tình trạng ùn ứ hàng hoá do các ngành chức năng như biên phòng, hải quan, thuế… đã có phương án điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp khai báo trực tuyến qua phần mềm cửa khẩu số. Hạ tầng các bãi xe cũng được nâng cấp, đầu tư, đảm bảo khoảng 1.000 xe/bãi xe xuất nhập khẩu.

Tháng Giêng vẫn là tháng xuất nhập khẩu cao điểm. Hiện nay, lượng xe hàng lên biên giới tiếp tục tăng, khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc trong dịp rằm tháng Giêng. Do đó, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng đã có phương án cụ thể cho tình huống hàng hóa này.

Không để là “tháng ăn chơi”

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).

Trong đó, nhóm hàng nông, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 01/2024 khi giá tiếp tục tăng.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa đi qua, nhưng tháng Giêng không còn và không thể là “tháng ăn chơi” như trong quan niệm của người xưa nữa. Tiếp đà thành công từ năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục tự tin bước vào năm mới Giáp Thìn 2024 với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sang 2024 là năm tăng tốc và kết quả xuất khẩu tháng đầu năm báo hiệu một năm nhiều thuận lợi…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm. Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Đồng thời, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới…

Riêng Trung Quốc, ông Phùng Đức Tiến nhận định, đây là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử…, vì đây là xu hướng tất yếu.

Để tận dụng cơ hội thị trường, tăng tốc xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, cần đa dạng hóa thị trường bằng cách đẩy mạnh đàm phán ký kết các FTA với các đối tác khác nhiều tiềm năng. Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng khai thác các cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Chú trọng phòng vệ thương mại trước xu hướng các đối tác gia tăng dựng rào cản đối với hàng xuất khẩu của ta, bảo đảm môi trường công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế.

Cùng với đó, cần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến thương mại, chú tâm vào các đối tác lớn, địa bàn trọng điểm, tận dụng tối đa dư địa về xuất khẩu do các FTA mở ra. Tranh thủ những tín hiệu tốt từ phía Trung Quốc, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu với đối tác này,…



Báo cáo phân tích thị trường