Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không tăng diện tích thanh long, ưu tiên nâng chất lượng
19 | 03 | 2024
Để thanh long Việt Nam cạnh tranh trên thị trường, ngành nông nghiệp xác định không tăng diện tích, tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái...

Nguồn: Nongnghiep.vn 

Nông dân Bình Thuận kiểm tra thanh long trước khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nông dân Bình Thuận kiểm tra thanh long trước khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không tăng diện tích

Thanh long là loại trái cây dễ trồng, cho năng suất cao, có khả năng chịu hạn và thích nghi với thổ nhưỡng, đất nhiễm phèn nhiễm mặn nên được các tỉnh phía Nam chọn để canh tác. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ năm 2010 đến năm 2020, diện tích thanh long tăng 15,1%/năm, tương ứng 4.600 ha/năm. Năm 2020, diện tích thanh long đạt cao nhất với 65.000ha. Tuy nhiên, sau năm 2020, do đại dịch Covid-19 và chính sách Net Zero của Trung Quốc, diện tích thanh long Việt Nam năm 2021 giảm 1.500ha, năm 2022 giảm 9.200ha so với năm 2020.

Đến cuối năm 2023, Việt Nam có 55.000ha thanh long, sản lượng trên 1,2 triệu tấn. Tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiềng Giang. Giống thanh long ruột trắng chủ yếu được trồng tại Bình Thuận; giống thanh long ruột đỏ chủ yếu trồng tại Long An, Tiền Giang và Đồng Nai.

Do đẩy mạnh sản xuất vụ nghịch, đến nay thanh long Việt Nam có thể cho thu hoạch quanh năm. Vụ thuận từ tháng 4 đến tháng 9, vụ nghịch từ tháng 10 đến tháng 2 - 3 năm sau. Đây là lợi thế cạnh tranh của xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên đến trên 100 triệu USD năm 2011 và vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2020. Đồng thời, thanh long là sản phẩm chiếm tỷ trọng chủ yếu, trên 30% giá trị xuất khẩu của ngành rau quả liên tục từ năm 2015 - 2020.

Thanh long được xem là loại trái cây lạ, quý ở không ít thị trường trên thế giới. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu đến các nước Ấn Độ, Mỹ, Canada, EU, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Hiện trên thế giới, tổng diện tích thanh long ước đạt 140.000 - 145.000ha. Trong đó, châu Á tập trung chủ yếu tại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia… Ngoài ra, khu vực Trung Đông có Israel; khu vực châu Mỹ có Ecuador, Nicaragua, Mexico, Colombia.

Việt Nam, trong một thời gian khá dài, là nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long. Nhiều năm liền thanh long nằm trong nhóm ngành hàng đem về tỷ đô cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, dịch tích trồng thanh long của Trung Quốc tăng “thần tốc” từ 3.400ha năm 2011 lên đến 67.000ha vào năm 2021 (sản lượng đạt 1,6 triệu tấn), vượt qua Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thanh long Việt Nam dần mất ưu thế tại Trung Quốc.

Trước bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng diện tích dẫn đến sản lượng thanh long tăng, để tránh tình trạng cung vượt cầu, Bộ NN-PTNT chủ trương không gia tăng diện tích thanh long, nhất là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong “Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030” của Bộ NN-PTNT, thanh long được xác định là một trong 14 loại trái cây chủ lực. Trong đó, đến năm 2025, diện tích thanh long không quá 60.000 ha và đến năm 2030 không quá 65.000ha, sản lượng duy trì khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn.

Thanh long Việt Nam đang có nhiều đối thủ trong thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thanh long Việt Nam đang có nhiều đối thủ trong thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đầu tư cho chất lượng 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, thanh long xuất khẩu đạt gần 64 triệu USD, tăng gần 73% so với tháng 12/2023 và tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tín hiệu lạc quan cho thanh long Việt Nam.

Là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước, với 27.000ha, sản lượng khoảng 550.000 tấn/năm, đến nay, Bình Thuận có 653 mã số vùng trồng thanh long và khoảng 325 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Việc chủ động được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp nông dân, doanh nghiệp ý thức hơn về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, tăng cường giám sát đảm bảo sản xuất đúng quy trình, từ đó ổn định được chất lượng sản phẩm, tạo sự tin tưởng của các nước nhập khẩu.

Theo ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thanh long Bình Thuận đã đăng ký chỉ dẫn địa lý và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc… Về cơ sở chế biến, hiện toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long với tổng năng lực chế biến sản phẩm thanh long khoảng 37.800 tấn/năm.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây chúng ta cứ tập trung xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc và Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay cần tập trung mở rộng thêm thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước qua các kênh siêu thị cũng như các chợ đầu mối.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, hiện toàn tỉnh có 228 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu và 107 mã số cơ sở đóng gói thanh long. Thời gian tới, tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động người dân duy trì sản xuất ghi chép nhật ký nhằm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... làm cơ sở mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu.

Để thanh long Bình Thuận phát triển bền vững, ông Tấn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng, giữ vững thương hiệu thanh long ruột trắng Bình Thuận, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sản phẩm phải đạt chất lượng đồng đều, đáp ứng được những yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như thị trường trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch.

Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long, có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn. Thời gian qua, sản xuất thanh long cả nước đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Tuy nhiên, thanh long Việt Nam vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi yêu cầu về chất lượng, ATTP, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân vẫn chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính. Hệ thống cơ sở đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ…

Ngoài ra, biến đổi khí hậu, sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, ATTP và sức cạnh tranh.

Thanh long Việt Nam cũng đối diện với thách thức lớn khi thị trường Trung Quốc đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, Ấn Độ là thị trường lớn đầy tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000ha lên đến 50.000ha trong 5 năm tới. Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu.

Thanh long ruột đỏ được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thanh long ruột đỏ được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để chuỗi giá trị thanh long Việt Nam phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT định hướng phát triển ngành hàng thanh long trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, đặc biệt tại 3 tỉnh trồng thanh long trọng điểm gồm Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích liên kết chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi thị trường ngay từ khâu sản xuất, đến sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và đến tay khách hàng. Giữ vững xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, trong đó chủ động tìm hiểu, đáp ứng tốt các yêu cầu, thị hiếu từng thị trường về mẫu mã, chất lượng và yêu cầu nhập khẩu...

Theo bà Trần Thanh Bình từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tốp 10 thị trường xuất khẩu thanh long của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hồng Kông, Thái Lan, UAE, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan và Canada. Nhu cầu tiêu thụ nông sản nói chung và thanh long nói riêng của toàn cầu phục hồi là yếu tố góp phần giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng đầu năm 2024 cho những kết quả khả quan.

 



Báo cáo phân tích thị trường