Sự giảm diện tích và sản lượng hồ tiêu 2 năm qua chủ yếu ở 2 tỉnh BR-VT và Bình Phước do nấm Phytopthora và ong ký sinh làm chết cây vông choái tiêu. Nghịch lý sản xuất giảm, xuất khẩu tăng được lý giải là trước đây VN xuất qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch ước tới 16.000 T, đây là con số không thể hiện trong thống kê thương mại. Tuy nhiên năm 2006 ước đã có khoảng 10.000 T tiêu từ tiểu ngạch chuyển qua chính ngạch.
Theo thống kê của các tỉnh, diện tích trồng tiêu của VN hiện có khoảng 55.000 ha, tập trung nhiều ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sản lượng xuất khẩu mỗi năm trong khoảng 100.000 – 120.000 T chiếm trên 50% sản lượng hồ tiêu giao dịch buôn bán trên toàn thế giới. Mặc dù có con số ấn tượng như vậy nhưng trên tổng thể, tiêu vẫn là cây thiếu bền vững, sự thiếu bền vững đó không chỉ là qui mô quốc gia mà qui mô toàn thế giới. Chúng ta từng chứng kiến giá tiêu lên đến 100.000 đ/ kg vào 1997 và giảm xuống 16.000 đ/ kg vào những năm sau đó. Sự thiếu bền vững không chỉ thể hiện ở sự bấp bênh về giá cả mà còn do cây hồ tiêu dễ mắc bệnh nấm Phytopthora làm chết hàng loạt. Sự kém bền vững của hồ tiêu VN còn do chính các doanh nghiệp VN kinh doanh tiêu tạo nên khi không đoàn kết dễ bị phía nước ngoài ép giá.
Biểu thuế VN cam kết với WTO ở mức 30% vào năm đầu tiên và đến năm 2010 giảm xuống 20%. So với biểu thuế hiện tại, 30% với ưu đãi, 40% với giao dịch bình thường và chỉ 5% VAT trong khuôn khổ AFTA thì mức thuế WTO không có ý nghĩa thay đổi. Gia nhập WTO, hồ tiêu VN thêm thuận lợi, con số bạn hàng của hồ tiêu VN không chỉ là 72 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn tăng nhanh. Gia nhập cũng làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hồ tiêu VN trên thế giới vì giá thành sản xuất hồ tiêu của VN thấp nhất. Tuy nhiên, VN cũng nên có những khuyến cáo cụ thể để người dân không tăng thêm diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, bền vững của những vườn hiện có. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, muốn bền vững thì chỉ nên khai thác ở mức năng suất 2 kg/nọc, sản lượng chỉ nên duy trì 4 T/ha, nếu giá vững ở mức 25.000 đ/kg thì doanh thu vào khoảng 100 triệu/ha, so với 400 triệu của thanh long Bình Thuận thì hồ tiêu còn thấp xa nhưng vẫn là đối thủ nặng ký trong làng cây trồng VN, rất thích hợp cho những hộ gia đình chỉ có ít đất.
Hồ tiêu VN cũng có thể tự làm tăng giá trị cho mình khi tăng thêm chất lượng và tỷ lệ hạt tiêu trắng. Hiện có 90 công ty chuyên chế biến và XK hạt tiêu nhưng chất lượng chưa cao và tỷ lệ tiêu trắng chưa tới 10%, khiến cho tiêu VN bán thấp giá hơn khoảng 20 USD/T